Trước một nỗi đau quá lớn…!
(Dân trí) - Sự việc chấn động trong tuần qua đó là vụ một nam sinh trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến, TPHCM đã nhảy lầu 4 tự vẫn vào sáng ngày 10/4. Sự việc diễn ra ngay trước mặt bạn bè, thầy cô – vô cùng ám ảnh! Xin chia buồn cùng gia đình em nỗi đau mất mát lớn lao này.
Từng trải qua những năm tháng dài đằng đẵng trong các lớp chọn, trường chuyên, trường điểm, người viết hiểu được áp lực mà các em học sinh phải trải qua khi bản thân phải chứng kiến một người bạn thân cùng lớp bị rơi vào trầm cảm không thể hồi phục vì không vượt qua nổi định kiến: Học trường chuyên mà thi trượt học sinh giỏi tỉnh.
Một người bạn khác, khi rớt khỏi vòng thi tuyển cuối cùng chọn học sinh giỏi quốc gia đã phản ứng bằng cách chọn cho mình một lối sống tiêu cực, buông thả và phải mất một thời gian rất dài mới quay lại cuộc sống bình thường, lành mạnh để thi tiếp vào đại học.
Theo phản ánh trên báo chí, THPT tư thục Nguyễn Khuyến là trường tư thục nổi tiếng ở TPHCM với tỷ lệ đậu đại học rất cao và thường nằm trong top những trường của TPHCM có điểm thi đại học cao nhất và cũng là trường có số lượng thủ khoa, á khoa cao nhất nhì cả nước.
Năm 2017, trường tư thục Nguyễn Khuyến là một trong những trường THPT đạt kỷ lục về Thủ khoa, Á khoa vào trường đại học với 162 Thủ khoa, Á khoa.
Những thành tích đó trước hết chính là sự tâm huyết của các thầy cô và là sự cố gắng, nỗ lực của hàng thế hệ học sinh mang lại. Phụ huynh cũng nhìn vào đó mà khuyến khích con em mình thi tuyển vào trường.
Thế nhưng, mặt trái của thành tích, đó chính là những áp lực mà đôi khi phải trả bằng những giá rất đắt: trả giá của sức khoẻ, sức trẻ, sự vô tư vui vẻ, thanh xuân và đôi khi là mạng sống. Cái giá đó, không chỉ các trường chuyên, trường điểm mà cả hệ thống giáo dục và tư duy nuôi dạy con cái của hàng triệu phụ huynh hiện nay phải thừa nhận và đối mặt.
Người lớn có rất nhiều lý do tốt đẹp để biện minh cho những áp lực về học tập đang đè nặng lên con cái, rằng tất cả những điều đó sẽ mang lại cho con em mình một tương lai tươi sáng và rực rỡ. Điểm số và thành tích trong thi tuyển chính là thước đo cho những nỗ lực, cho sự phấn đấu, ý thức học tập của các em.
Thế nhưng, ít ai dám thừa nhận, những mong mỏi đó, những sự thúc ép, giám sát đó lại chỉ là ý muốn chủ quan của bản thân cha mẹ, cô thầy...
Ai chẳng muốn đi ra ngoài xã hội, gặp bạn bè đồng nghiệp được nở mày nở mặt. Nhưng sau ánh hào quang đó, liệu có ai dành thời gian để trò chuyện với các con, với các học sinh của mình về những mong mỏi, nguyện vọng của các con, về những vấn đề tâm sinh lý mà ở độ tuổi mới lớn, các con đang phải loay hoay để vượt qua, để định hình nhân cách.
Chúng ta cứ nghĩ rằng, nếu lơi lỏng, buông tay các con ra khỏi khuôn khổ, nề nếp, các con sẽ rơi vào cám dỗ và hư hỏng, nhưng lại không cho các con cơ hội để giãi bày, tâm sự. Thậm chí, những lúc không hài lòng, có vị còn nặng nề phê phán: “Có mỗi việc học thôi mà không làm được”.
Vô hình chung, chúng ta khiến con cái mình trở thành những cái máy ghi điểm trong một vòng luẩn quẩn giữa học và thi. Kết quả, ta đã để con cái rời xa vòng tay tự lúc nào, rời xa cuộc sống…
Ta đâu hay, con cái cần ở ta hơn hết, là một người bạn đồng hành, một tấm lòng đồng cảm của người cha, người mẹ, người thầy.
Bích Diệp