Trở về làm người tử tế - chuyện không riêng Hải "bánh"

Bích Diệp

(Dân trí) - Ở bài viết này, tôi gọi Hải "bánh" là "anh" với sự ghi nhận và tôn trọng đối với người hơn tuổi mình, với một "công dân" sau khi đã hoàn tất quá trình thụ án, trả giá cho chuỗi lỗi lầm trong quá khứ.

Chiều 27/1, nhiều trang tin chia sẻ việc anh Nguyễn Tuấn Hải (tức Hải "bánh") đã hết thời hạn chấp hành án và ra tù vào sáng cùng ngày.

Nói khách quan thì việc một người đàn ông ra tù chẳng có gì đáng để bàn luận nhiều nếu đó không phải là Hải "bánh" - một giang hồ cộm cán, bị cáo buộc là đồng phạm giúp sức cho Trương Văn Cam (biệt danh Năm Cam) gây ra vụ giết Dung Hà chấn động dư luận năm xưa.

Tổng hợp hình phạt mà Hải "bánh" chịu án là chung thân. Tuy nhiên, nhờ cải tạo tốt, tham gia nhiệt tình nhiều hoạt động của trại và giúp đỡ các phạm nhân khác nên Hải "bánh" đã được ra tù trước thời hạn.

Trở về làm người tử tế - chuyện không riêng Hải bánh - 1

Hình ảnh giang hồ cộm cán một thời Hải "bánh" bật khóc khi ra tù được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội (Ảnh: Mạng xã hội).

20 năm đối với một đời người rất dài. Thời gian đó đủ để những thiếu niên năm xưa trở thành cha, thành mẹ, đủ để một con người phấn đấu và gây dựng sự nghiệp, đủ để các bậc phụ huynh chứng kiến con cái trưởng thành, thành đạt.

Thế nhưng, những người mang án tù như Hải "bánh" đã bỏ lỡ mất quãng đời ý nghĩa đó. 20 năm tù đối với Hải "bánh" vừa cho thấy tính nghiêm minh của luật pháp nhưng đồng thời cũng thể hiện sự nhân văn, khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với những người sa chân phạm tội nhưng biết hối cải.

"Nằm trong xà lim và biết mình đang đối diện với cái chết, toàn bộ tội lỗi của tôi cứ như cuốn phim quay chậm trong đầu. Chưa bao giờ tôi thấy ân hận nhiều như thế…". 

"Tôi nghĩ và thương bố mẹ, thương con gái rất nhiều. Tôi cứ ray rứt và ân hận mãi. Lúc còn trẻ thì cứ gây án để bố mẹ vào trại thăm nuôi, đến khi bố mẹ già, con gái lớn cần được chăm sóc thì tôi lãnh án chung thân, không biết có còn cơ hội để chăm sóc bố mẹ!".

Đọc lại chia sẻ của Nguyễn Tuấn Hải năm xưa trong tù có lẽ không chỉ tôi mà nhiều người cũng thấy lòng mình trĩu xuống. Những thiếu niên đang độ tuổi khẳng định bản thân, những con người đang đứng trước "ngã ba đường" sẽ phải nghĩ lại để định hướng tương lai.

Lúc đó, Hải nói với phóng viên về một trong những nguyên cớ gây ra án mạng: "Tôi mở tiệm uốn tóc và nghĩ là mình sẽ hoàn lương, sẽ từ bỏ quá khứ nhưng sự quậy phá của Dung Hà đã đảo lộn tất cả. Quả thật khi đã sa chân vào con đường tội lỗi thì cứ trượt dài vào vòng xoáy của tội ác".

Chia sẻ đó rất thật. Và có lẽ, đó không chỉ câu chuyện riêng của Hải 20 năm trước mà còn là câu chuyện chung của những người mang trên mình "tiền án". Để hòa nhập trở lại với cộng đồng, để tránh xa, dứt bỏ mọi dây mơ rễ má với thế giới ngầm, với họ là thách thức lớn. Dù đã hoàn thành án phạt trước pháp luật thì sự giày vò lương tâm và định kiến của xã hội vẫn còn dai dẳng.

Giọt nước mắt khi bước ra khỏi cánh cửa nhà tù như để anh Nguyễn Tuấn Hải "gột rửa" quá khứ Hải "bánh" oanh tạc giang hồ năm xưa, bắt đầu trở lại làm một con người lương thiện, cuộc đời hoàn toàn bước sang một trang mới.

Trong clip được chia sẻ trên mạng xã hội, ngay sau khi mãn hạn tù, anh Hải đã vét sạch số tiền 1,8 triệu đồng trong túi để mua ủng hộ người bán vé số. Đó là hành động tử tế và lương thiện đầu tiên trong hành trình dài trở lại làm công dân của anh.

Góc con người Nguyễn Tuấn Hải thời gian ở tù được cho biết, thường tìm đến sách vở khi rảnh rỗi; ngoài công việc chăm sóc và cắt tỉa cây cối, còn rất thích vẽ tranh. Có "chất" như vậy, tôi tin là nếu quyết tâm, Hải hoàn toàn có thể "làm lại cuộc đời", trở thành một "người tử tế".

Ngẫm chuyện đời Hải "bánh", ai cũng đều sinh ra rồi mất đi, nhưng chọn cách sống như thế nào có ý nghĩa, cho đáng sống lại là quyết định của mỗi người.

Bản lĩnh không nằm ở việc dùng bạo lực, thủ đoạn để đứng trên bao nhiêu người, mà bản lĩnh chính là giữ được tính thiện, giữ được lối sống trung thực, hợp pháp, là khi giúp được người chứ không phải xâm phạm, tước đoạt đi cuộc sống của người khác. Dẫu có xưng hùng, xưng bá, "làm vua" một phương… thì sau tất cả cũng phải trả giá và đền tội. Đến cuối cùng, điều giản dị nhất mà ai cũng mong mỏi, đó chính là cơ hội được "làm Người".

Khi những ngày cuối năm dần khép lại, tôi cùng nhiều người hi vọng anh Nguyễn Tuấn Hải và bất cứ ai còn đang trắc trở trong cuộc sống này, họ sẽ vẫn giữ vững được niềm tin, để "sống làm người tử tế".