Trạng Quỳnh luận về “văn hóa từ chức”
(Dân trí) - Gần đây, dư luận lại rộ lên xung quanh “văn hóa… từ chức”. Mình lại hầu chuyện Cụ Trạng Quỳnh để xin lời chỉ giáo.
Cậu chả hiểu gì cả. Ai bảo cậu chúng ta chưa có văn hóa từ chức? Trong lịch sử nước nhà, chả đã từng có các cụ như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm và biết bao nhiêu bậc nho sĩ khác trả ấn, từ quan về vui thú ruộng vườn, sống cuộc đời thanh bạch đó sao? Vấn đề không phải là ngày xưa không có mà ngày nay không có.
Thưa Cụ, cũng không phải ngày nay không có mà có ít thôi. Ví dụ như hai ông ở Cục Điện ảnh rồi gần đây nhất là ông Trưởng ban tổ chức giải bóng đá đó thôi…
Cậu lại nông nổi rồi. Người từ quan là người chắc chắn còn ở lại làm quan được nhưng kiên quyết từ chối thì mới gọi là từ quan. Còn ba ông ấy, hai ông ở Cục Điện ảnh thì thất thoát như vậy, thoát vòng lao lý là may. Cái ông Trưởng ban bóng đá, điều hành như thế có ở cũng chả yên. Nói tóm lại, cả ba ông ấy thì không từ cũng không được.
Thưa Cụ, hầu như bác làm quan nào cũng thấm nhuần và liên tục nhắc rằng “Quan nhất thời – Dân vạn đại”, rồi con đường công danh là phù du, là khổ sở… Nói tóm lại, nghe họ nói thì họ đều không ham hố, thậm chí coi thường công danh. Thế mà chả thấy ai thoát nổi cái” vòng kim cô” công danh cả?
Cuộc đời nó là như thế. Nói là một chuyện mà làm lại là chuyện khác. Ta hỏi cậu, cậu đã làm quan bao giờ chưa?
Dạ! Con thì không chứ đừng nói chưa ạ.
Thế nên cậu không hiểu là phải. Người làm quan xưa nay bổng lắm, lộc nhiều, không chỉ cả họ được nhờ mà mấy họ được nhờ. Nhất là quan thời nay thì người được nhờ vả càng không kể xiết. Rồi làm quan đồng nghĩa với lên xe, xuống ngựa, nói một câu cả đống người nghe. Nghĩa là nó oai lắm, oách lắm và… giầu lắm. Khi từ quan tức là anh mất hết. Thậm chí khi làm việc gì đó, anh là dân nên còn bị hành… hành gì nhỉ, à hành là chính.
Thưa cụ, phải chăng bệnh quan nó ngấm quá nặng nên có những ông làm quan, khi về hưu vẫn ngỡ mình còn đương quyền, đương chức, vẫn quen giọng đe nẹt, quát nạt, dạy bảo thiên hạ.
Thế đấy. Trong đời con người ta, phấn đấu để được làm quan đã khó, khi làm quan còn khó hơn nhiều và lúc từ quan còn khó gấp bội. Nhiều người giữ được thanh danh gần cả đời nhưng đến lúc từ quan thì không kìm nén được, trở nên lố bịch trong mắt người đời. Thời xưa cũng thế mà thời nay cũng thế.
Thưa Cụ, ngay thời phong kiến cũng có những người hành xử với chức tước rất đáng kính trọng như cụ Nguyễn Công Trứ chẳng hạn?
Ôi, đó là một Nhà nho tài tử (chữ của GS. Trần Ngọc Vương) mà ta quý trọng. Ta nhớ hình như ông ta ba lần mất chức và ba lần phục chức. Có lần vua hỏi: “Ta phục chức cho nhà ngươi, nhà ngươi có mừng không?”. “Khi bệ hạ cách chức thần, thần có buồn đâu mà khi phục chức thần mừng cơ chứ?”. Chao ôi, con người coi chức tước nhẹ như lông hồng, mất không buồn, được không mừng mới đáng kính phục làm sao. Gần đây, ta nhớ không lầm thì ông Nhà báo Hữu Thọ cũng có một câu rất hay: Chức tước như cái áo khoác trên thành ghế!
Thưa Cụ, làm thế nào để “phục hồi” được văn hóa từ chức?
Muốn có văn hóa từ chức, phải bắt đầu từ mấy việc. Thứ nhất là xây dựng một nền hành chính dịch vụ mà ở đó, người quản lý làm nhiệm vụ phục vụ người dân chứ không phải là sự quản lý cai trị. Thứ hai, giáo dục ý thức công dân tức là ý thức làm chủ cho mỗi người dân để họ hiểu rằng, họ phải có trách nhiệm đóng thuế để trả công cho những người đang phục vụ họ. Làm được hai việc này, nhà quản lý sẽ coi công việc của mình là nhiệm vụ nên phải có bổn phận và trách nhiệm với công việc. Lúc đó, nếu không đủ năng lực hoặc với một lý do nào đó, nhà quản lý sẽ sẵn sàng từ chức để người khác làm tốt hơn lên thay. Tuy nhiên, cũng cần phải triệt tiêu mọi “bổng lộc” mà khi làm quan mới có.
Thưa Cụ, nghĩa là chỉ khi nào xây dựng được nền hành chính dịch vụ, giáo dục ý thức công dân, có biện pháp hữu hiệu để chống tham nhũng thì mới xuất hiện “văn hóa từ chức”?
Đó chỉ là những nét cơ bản. Còn nhiều, rất nhiều những việc phải làm khác.
Đó là những việc gì ạ?
Hơ! Ta làm sao biết hết được…?
Xin cám ơn Quan Trạng về cuộc trao đổi này!
Bùi