Tột cùng của tội ác

Hoàng Lam

(Dân trí) - Căm phẫn, tức giận, xót xa, đau đớn, bàng hoàng... vẫn chưa đủ để lột tả cảm xúc của những người làm cha, làm mẹ trước việc bé gái 3 tuổi nguy kịch với 9 chiếc đinh nghi bị đóng vào đầu.

Tột cùng của tội ác - 1

Sự việc bác sĩ phát hiện nhiều vật cản quang nghi là 9 cái đinh trong sọ và tổ chức não của bé gái 3 tuổi ở Thạch Thất (Hà Nội) gây rúng động dư luận. Theo thông tin từ phía bệnh viện cung cấp, bệnh nhi được mẹ đưa đến viện trong tình trạng hôn mê, co giật. Cháu bé được xác định nghi viêm màng não, tiên lượng tử vong cao và đã được chuyển lên tuyến Trung ương cấp cứu.

Bệnh nhi là con thứ 3 trong gia đình, bố mẹ ly hôn gần một năm qua, bé ở với mẹ. Người mẹ hiện sống cùng một người đàn ông khác.

Thông tin đáng lưu ý, đây là lần thứ 4 bé gái được đưa đến các cơ sở y tế do có vấn đề liên quan đến sức khỏe như có dị vật ở đường thở, đường ruột và từng phải giành giật sự sống khi bị ngộ độc thuốc trừ sâu nặng. Bác sĩ cũng phát hiện cách đây khoảng 2 tuần, bé bị bó bột ở tay và 5 ngày trước bị đau tai.

Với 9 vật nghi giống đinh ở trong sọ và tổ chức não của cháu bé, có nhiều giả thiết hướng tới việc bé bị bạo hành. Sự việc được báo cáo đến cơ quan công an, một số người đã bị triệu tập để làm rõ nghi vấn này. Có hay không việc cháu bé bị xâm hại, bạo hành tin rằng sẽ sớm được cơ quan chức năng làm rõ.

Linh cảm của một người mẹ, tôi nghĩ rằng, cháu bé không thể tự làm đau mình hết lần này đến lần khác. Và đặc biệt, với 9 vật nghi là đinh ở trong đầu chắc không phải do bé tự gây ra. Nếu như là bất kỳ ai và dù vì lý do, động cơ nào thì hành vi đóng đinh vào đầu bé là tội ác không thể dung thứ.

Vết thương đã liền da, chứng tỏ sự việc xảy ra từ lâu. Với liên tiếp những biến cố sức khỏe "khó hiểu" như thế, chắc hẳn cơ thể non nớt ấy đã phải chịu quá nhiều đau đớn về thể xác và tinh thần. Chúng tôi, những người làm cha làm mẹ cầu mong con có đủ sức mạnh để vượt qua như những lần trước đây, bởi cuộc đời con mới chỉ bắt đầu...

Cái chết của cô bé 8 tuổi ở TPHCM hay vụ bé gái 3 tuổi ở Hà Nội mới đây khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Những đứa trẻ ấy có một điểm chung là bố mẹ ly hôn. Các con phải lìa xa mái ấm của mình, bị bạo hành dã man. Trong những cái chết tức tưởi, oan uổng, đớn đau đó có trách nhiệm của người sinh thành, chịu trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ con trẻ sau vụ án ly hôn.

Ly hôn là chuyện chẳng đừng khi những mâu thuẫn, xung đột vợ chồng không thể dung hòa hay tình cảm nhạt phai. Ly hôn là chuyện của người lớn nhưng người phải gánh hệ lụy từ những mái ấm tan vỡ ấy lại là những đứa trẻ vô tội, những đứa trẻ cần phải được chăm sóc, bao bọc trong yêu thương đủ đầy của bố và mẹ.

Mỗi năm, cả nước có khoảng 60.000 vụ ly hôn. Đồng nghĩa, sẽ có hàng chục nghìn đứa trẻ bị "xé" ra khỏi nơi từng là mái ấm của mình để bước vào một cuộc sống mới và sớm hay muộn, sẽ có một gia đình mới. Được yêu thương hay bị bạo hành, hắt hủi đối với các em mà nói, như một trò may rủi của số phận.

Bảo vệ trẻ em trong những gia đình tan vỡ sau liên tiếp các vụ bạo hành gây hậu quả nghiêm trọng như thời gian qua đang là hồi chuông cảnh tỉnh đối với xã hội và những cơ quan có trách nhiệm. Chúng ta không thể để đến khi xảy các vụ bạo hành ra mới xử lý mà cần phải có biện pháp quyết liệt hơn để sớm phát hiện và ngăn chặn.

Nên chăng cần có những quy định cụ thể hơn đối với trách nhiệm giám sát việc chăm sóc, bảo vệ những đứa trẻ "hậu ly hôn" của cộng đồng và các tổ chức xã hội, tổ chức bảo vệ pháp luật?.

"Nước xa khó cứu được lửa gần", bởi vậy, những người làm cha, làm mẹ, khi hôn nhân tan vỡ, trước hết, xin hãy yêu thương và bảo vệ đứa con của mình.

Hoàng Lam