Tôi không tin các vị!

(Dân trí) - Vâng, tôi phải chua xót mà thừa nhận rằng, tôi không tin các vị, thưa các vị lái taxi, các vị khán giả, các vị bán hàng, các vị dân chơi, các vị đi đường kính mến!

Tôi không tin các vị! - 1
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Bài viết mới đây trên Blog Dân trí của một phụ nữ Úc, cô Tabitha Carvan, về nạn taxi chặt chém khách du lịch đã nêu lên một vấn đề sâu xa hơn mấy đồng bạc bị "chém", và có lẽ hơn cả vấn đề ảnh hưởng lâu dài về kinh tế tới ngành du lịch. Vấn đề đó, chính là lòng tin giữa con người với nhau.

Thú thật là, chẳng phải chờ đến bài viết của cô ấy, mà từ lâu tôi đã chẳng còn tin TẤT CẢ các lái xe taxi. Tôi biết rõ là nghề gì, ở đâu, cũng có người tốt người xấu, nhưng vấn đề là tôi đã gặp quá nhiều lái taxi không tốt, tới mức tôi không còn lòng tin với cái nghề đó nữa, và phản ứng cố định của tôi mỗi khi phải dính dáng tới loại phương tiện này là tuyệt đối cẩn thận và cảnh giác, bất kể thế nào.

Đúng vậy đấy, khi lòng tin đã bị xói mòn, thì cái "mặc định" không còn là cái tốt, cái tích cực mà là cái xấu, cái tiêu cực. Nếu một bộ phận con người nào tạo được cho tôi lòng tin, tôi sẽ luôn thoải mái, tin tưởng mỗi khi tiếp xúc với bất cứ thành viên nào của bộ phận đó. Ngược lại, thì cũng giống như với bộ phận taxi.

Tương tự, bây giờ mỗi khi đi xem phim, tôi luôn chuẩn bị tâm thế là sẽ bị hành hạ bởi những khán giả vô ý thức, mất trật tự, làm loạn trong rạp. Nhưng thế vẫn còn đỡ, khổ sở nhất là đi nghe nhạc cổ điển, dù là ở Nhà Hát Lớn. Cái khổ sở, thưa các vị, không phải là vì khán giả ở Nhà Hát Lớn vô ý thức ngang với khán giả ở MegaStar. Không, khán giả bây giờ ý thức hơn nhiều rồi. Thi thoảng cũng có những lần tôi may mắn không bị làm phiền khi nghe nhạc cổ điển ở Nhà Hát Lớn. Nhưng vấn đề là lần nào cũng vậy, cứ ngồi ở đó là tôi thấy căng hết thần kinh, không sao thư giãn để thả hồn vào âm nhạc được. Đơn giản là bởi tôi đã có quá nhiều kinh nghiệm tồi tệ ở đó: Chuông điện thoại réo ầm ầm, người nói oang oang, trẻ con gào thét... Tôi đã không còn tin vào ý thức của khán giả nữa, nên bây giờ, dù chỉ một tiếng ho vô tình cũng khiến tôi giật thót, một tiếng cọt kẹt cũng khiến tôi tưởng nhà sập...

Còn ra đường ư? Tôi không tin bất cứ ai sẽ nhường đường cho tôi dù tôi đi đúng luật. Tôi không tin nếu tôi ngã sẽ có ai giúp hay không có ai hôi của. Ngồi vào quán ư? Tôi không tin mấy em dân chơi 9X ngồi kia sẽ không ngứa mắt lên mà tẩn cho tôi một trận hay tệ hơn là xiên tôi một nhát. Đi mua hàng ư? Tôi không tin người ta sẽ bán cho tôi đồ tốt giá hợp lý. Tôi luôn tâm niệm phải kiểm tra hàng cho thật kỹ, khảo giá, mặc cả cho thật sát...

Như đã nói, không phải bỗng dưng mà tôi trở nên đa nghi như Tào Tháo như vậy, mà nó là một quá trình. Những sự việc lặp đi lặp lại khiến lòng tin bị xói mòn dần. Ngược lại, để xây dựng lại lòng tin cũng cần một quá trình ít nhất là như vậy, nếu không nói là dài hơn, gian nan hơn. Nhưng không phải là không thể. Lòng tin của một mình tôi có thể chẳng có ý nghĩa gì với ai, nhưng của tất cả, hay chí ít là phần lớn mọi người trong xã hội, hẳn sẽ có một tác động vô cùng lớn. Chí ít, ngay sau khi bài viết của cô Tabitha được đăng tải, tôi đã nhận được 3 thông tin tích cực liên quan tới ngành taxi: Anh lái xe đóng vai trò mấu chốt trong việc tìm lại được bé sơ sinh bị bắt cóc; anh lái xe thức trắng đêm đợi trả lại gần 200 triệu đồng cho khách; và việc Bộ Giao thông Vận tải lên kế hoạch thanh tra tổng thể, toàn diện các doanh nghiệp kinh doanh taxi tại Hà Nội và TPHCM. Với đà này, tôi rất hy vọng đến một ngày nào đó, tôi sẽ lấy lại được lòng tin ở taxi.

Tuấn Anh