Vì taxi, khách của tôi đã "mất hút"!
(Dân trí) - Khi một việc đơn giản như di chuyển quanh thành phố khiến cho khách du lịch phải sợ hãi, hoặc giận dữ, chắc chắn nó sẽ gây cho họ một vị đắng. Những vị khách của chúng tôi đều nói rất thích Việt Nam. Nhưng liệu họ sẽ quay trở lại? Không, không một ai!
Chúng tôi đã phục vụ như những hướng dẫn viên riêng cho tất cả các khách thăm, đưa họ đi chơi quanh Hà Nội và những nơi khác nữa, sắp xếp phương tiện đi lại, và giúp họ mặc cả khi mua hàng. Những trải nghiệm này luôn khiến tôi thấy tự hào về Hà Nội, và hài lòng vì các bạn bè và người thân có thể thấy tại sao chúng tôi chọn sống ở đây.
Tất nhiên, tôi có thể thấy những người bán hàng cố bán quá giá, nhưng vì tôi có thể nói chút ít tiếng Việt - rõ là đủ để hiểu khi nào đang bị "chém" - thì mọi việc thường được giải quyết êm đẹp. Và tất nhiên, những người bán rong sách du lịch và bật lửa trên đường phố cũng gây khá nhiều phiền toái, nhưng khi chúng tôi phớt lờ họ thì họ cũng để chúng tôi yên.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà gần như tất thảy những vị khách của chúng tôi đều trải qua, mà sự lặp đi lặp lại của nó đã che mờ đánh giá của họ về kỳ nghỉ, và khiến cho những sự việc tiêu cực đơn lẻ khác trở nên có vẻ như là một phần của một bức tranh lớn hơn. Đó là: Họ liên tục bị các lái xe taxi "làm thịt".
Tôi luôn bảo mọi vị khách chỉ sử dụng những hãng taxi có tiếng, nhưng ngay cả những hãng này cũng tận dụng cơ hội để ăn chặn tiền từ những hành khách mà trông rõ ràng là khách du lịch và chưa quen với việc thương lượng bằng đồng tiền địa phương. Vì tôi hiếm khi gặp rắc rối gì với taxi, tôi bị sốc khi liên tục nghe những câu chuyện về giá taxi cao gấp 10 lần, hoặc thậm chí hơn, so với giá thông thường. Có vẻ như đây là chuyện thường tình đối với khách du lịch đến với đất nước này, đến nỗi ngay cả những vị "có máu mặt" như các đại biểu Interpol đến từ Singapore mới đây cũng bị ăn chặn một số tiền lớn.
Có lần tôi tình cờ gặp một cặp người Pháp lang thang ở khu vực Cầu Giấy, đang tìm đường tới Bảo tàng Dân tộc học, vốn còn khá xa. Ngạc nhiên, tôi hỏi sao họ lại ở đó. Họ bảo đã thử đi xe buýt, nhưng lại xuống nhầm bến. Tôi hỏi sao họ không bắt taxi, vì xe buýt có thể khá khó hiểu đối với khách du lịch. "Nhưng taxi ở đây quá đắt!", họ nói. "Không, hoàn toàn không, nếu so với ở Châu Âu", tôi trả lời một cách kinh ngạc. Tất nhiên, khi tôi nói chuyện thêm với họ về trải nghiệm của họ, rõ ràng là họ đã liên tục bị thu hàng triệu đồng cho mỗi chuyến đi. Bây giờ họ đã quá sợ hãi không dám bước lên taxi nữa. Tôi tuyệt vọng tìm cách thuyết phục họ, với tư cách một thành viên đầy tự hào của thành phố này, nhưng dựa vào kinh nghiệm với những vị khách khác, tôi biết là mình sẽ chỉ thua cuộc mà thôi.
Mọi thành phố thu hút khách du lịch cũng sẽ thu hút những vấn đề như thế này, nhưng khi một việc đơn giản như di chuyển quanh thành phố khiến cho khách du lịch phải sợ hãi, hoặc giận dữ, chắc chắn nó sẽ gây cho họ một vị đắng trong miệng.
Có những giải pháp đơn giản cho vấn đề này: Những bảng hướng dẫn rõ ràng hơn ở sân bay về những hãng taxi hợp pháp và giá cước chuẩn; một đường dây nóng để khách hàng có thể gọi và nói chuyện với nhân viên tổng đài bằng tiếng Anh khi họ muốn phản đối một mức cước; một cuộc truy quét những hãng taxi bất hợp pháp.
Những biện pháp này thực ra là nhằm bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho chính các lái xe taxi, vì trong khi việc ăn chặn một du khách có thể mang lại lợi ích ngắn hạn, nó là một sự mất mát về lâu dài. Tỉ lệ khách quay trở lại Việt Nam đã từng được thông báo là rất thấp, ở mức 5%.
Còn những vị khách của chúng tôi thì sao? Họ đều nói đã tận hưởng chuyến thăm, và rất thích Việt Nam. Nhưng liệu họ sẽ quay trở lại? Không, không một ai.
A.H dịch