Toàn dân ta đi làm… xổ số?

(Dân trí) - Ở Việt Nam, có một nghề không cần học nhiều lắm, cũng không cần xuất sắc lắm, thập chí lớp một, lớp hai, biết đọc, biết viết vẫn làm được. Thế mà thu nhập cao, nộp ngân sách cũng cao, lại xóa được đói, giảm được nghèo thì quả là sung sướng.

 


(Minh họa Ngọc Diệp)

(Minh họa Ngọc Diệp)

 

Có lẽ ở Việt Nam ta hiện nay, hiếm có nghề nào thu nhập cao như nghề làm xổ số.

Xin nói về những người bán vé số trước.

Cách đây hơn một năm (6/2014), trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đã nói thế này: “Chúng tôi nghiên cứu đồng bằng sông Cửu Long, đến vùng này tôi thấy tình hình đi làm thuê và bán vé số rất phổ biến nhưng có thu nhập cao, họ đủ trang trải cho một ngày ăn… Đối với đồng bằng sông Cửu Long những nghề như thế có được công nhận là một nghề không? Tôi gọi là nghề làm thuê, có thu nhập thì được công nhận là vấn đề xóa đói, giảm nghèo có được không? Bán vé số tôi cho là có thu nhập cao, đóng góp cho ngân sách nhà nước rất cao, chúng ta cần phải nghiên cứu tiếp vấn đề này”.

Tuyệt vời! Rất tuyệt vời khi những người bán vé số vừa có “đóng góp cho ngân sách nhà nước rất cao”, vừa xóa đói, giảm nghèo thì còn gì hơn được nữa.

Thế nhưng đối với các bộ, công chức các công ty xổ số thì “chưa là cái đinh gì nhé”. Vừa mới đây, Thanh tra Chính phủ cho biết viên chức quản lý Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Tiền Giang nhận lương bình quân 60,8 triệu đồng/người/tháng, tức là 730 triệu đồng/người/năm và cũng tức là 2 năm, đủ mua một cái biệt thự to to ở tỉnh này.

Song đấy mới chỉ là khoản thu nhập qua lương. Còn biết bao nhiêu các khoản khác thì có khi phải cả vài tỉ bạc chưa biết chừng.

Ví như mới đây, đoàn cán bộ gồm nhiều vị lãnh đạo cao cấp của hai tỉnh Bình Phước, Tiền Giang được cử đi nước ngoài tham quan, học tập kinh nghiệm do các công ty xổ số chi tiền mà trong đó có cả những thành viên đang ở thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ”.

Đây là những người mà theo ĐB Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh - Thiếu niên & Nhi đồng Quốc hội, đó là hành vi “ăn” vào “chuyến tàu vét” trước khi “hạ cánh”.

“Tình trạng này biểu hiện ở nhiều khía cạnh như việc ký vội vàng các quyết định bổ nhiệm, đề bạt; ký gấp gáp các dự án lớn để có phần trăm trong đó; rồi những chuyến đi nước ngoài hào nhoáng dưới vỏ bọc học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm…”. Ông Tiến nói.

Trong đó cụ thể, đoàn của tỉnh Tiền Giang đi Nga và Canada (học về phòng chống ngập úng) gồm 14 người là cán bộ nhà nước, trong đó có một vị là Chủ tịch UBND tỉnh, các trưởng ban Nội chính, Tuyên giáo và các Giám đốc sở như NN&PTNT, Công thương, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ, Viện trưởng Viện KSND tỉnh, Phó chánh Văn phòng UBND, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây…

Đoàn Bình Phước học về công tác xổ số gồm 12 vị, trong đó có nguyên Bí thư tỉnh ủy, 2 vị Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó giám đốc Sở Tài chính, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh; Giám đốc các sở Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp; Chánh thanh tra tỉnh; trưởng các ban Tuyên giáo, Tổ chức…

Vâng! Ở Việt Nam, có một nghề không cần học nhiều lắm, cũng không cần xuất sắc lắm, thập chí lớp một, lớp hai, biết đọc, biết viết vẫn làm được. Thế mà thu nhập cao, nộp ngân sách cũng cao, lại xóa được đói, giảm được nghèo thì quả là sung sướng.

Còn một số người khác thì thu nhập khủng, thỉnh thoảng đi và đi tháp tùng các bác, các cô, các chú “tham quan, học tập” (ở cả những nước… không có hoạt động xổ số) thì còn gì sung sướng bằng nữa?

Hay là toàn dân chuyển sang làm nghề… xổ số nhỉ? Biết đâu khi đó, cả nước suốt ngày vui sướng reo ca và đi… du lịch?

Bùi Hoàng Tám