Tinh giản biên chế, liệu có “giản” những… người “tinh”!?

(Dân trí) - Không có ông bố, bà mẹ nào muốn con cháu mình bị loại dù cháu có “hơi yếu yếu”. Đáng lo ngại hơn là tư tưởng “con bà tốt” bởi tâm lý, bố mẹ khó đánh giá chính xác con cái mình mà không bị cảm tính cho phối. “Cháu nhà tôi thông minh lắm, các cô, các chú nói thế nào ấy chứ…”. Thậm chí, chả ai dại mà… “vuốt râu hùm”.

 


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Một trong những vấn đề bức xúc hiện nay, đó là tinh giản biên chế trong bộ máy nhà nước. Theo chủ trương, đến năm 2021, cả nước sẽ giảm hàng trăm ngàn biên chế. Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn bởi bộ máy công chức hiện nay rất lớn, vượt quá sự chịu đựng của ngân sách.

Trong khi các nước tiên tiến, bộ máy công chức của họ tinh giản đến tối đa. Nước Mỹ, dân số gấp 3 lần, diện tích gấp 10 lần nhưng số viên chức chỉ bằng 1/3 Việt Nam, khoảng 900 ngàn người, trong khi chúng ta có tới 2,8 triệu viên chức, công chức. Đúng là “Bộ máy lớn thế, dân nuôi sao nổi” như lời của ĐB Quốc hội Trần Du Lịch từng thảng thốt kêu lên giữa nghị trường Quốc hội.

Tuy nhiên, việc “giản” là cần thiết nhưng “giản” ai thì không hề… đơn giản.

Trong số 2,8 triệu biên chế đó, diện “có cũng được mà không cũng được” lên tới 30% “sáng cắp ô đi, tối cắp về” như lời của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là những đối tượng cần phải loại bỏ.

Họ không chỉ “tầm gửi” mà còn là lực cản sự phát triển của xã hội ở mọi lĩnh vực. Thực tế cho thấy tại cơ quan, đơn vị, những người lớn tiếng đòi hỏi quyền lợi nhất, đám “hành dân là chính” thường là những người ít tác dụng với công việc nhất, thậm chí lười biếng và dốt nát.

Song, có lẽ nói thế này mới chính xác, là đội ngũ cán bộ, viên chức của chúng ta không phải thừa mà thiếu, rất thiếu. Thừa những kẻ lười biếng, thiếu năng lực, ỉ nại nhưng lại rất thiếu những cán bộ, công chức có năng lực, có tâm, có niềm say mê, tận tụy với công việc.

Thế nhưng, số làm được việc này nhiều người thuộc diện “con dân, cháu dân”, “không có ô, có cán”, không có chỗ “dựa lưng” nên số phận thường rất… chông chênh. Một số khác có tài thường có cá tính mạnh, lại không chịu nịnh nọt, luồn cúi, gần gũi lãnh đạo, một điều thưa anh, hai điều vâng dạ... Họ là những người không những ít được trọng dụng mà thậm chí, luôn luôn trong tư thế phấp phỏng bên rìa sân bãi.

Và dịp tinh giản này, nếu không cẩn thận, sẽ là cơ hội để “nhóm lợi ích” đẩy họ ra khỏi cuộc chơi. Đã có hiện tượng mà theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khi trả lời phỏng vấn phóng viên Dân trí: “Một số người được đánh giá phân loại là hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ hoặc có trình độ đào tạo phù hợp với vị trí việc làm mà vẫn bị đưa vào diện tinh giản biên chế”.

Song, lo ngại nhất vẫn là “lực lượng CCCC – con cháu các cụ”. Đây là trở lực lớn trên con đường tinh giản biên chế, nhất là khi mà việc “gia đình lãnh đạo” không còn là cá biệt.

Không có ông bố, bà mẹ nào muốn con cháu mình bị loại dù cháu có “hơi yếu yếu”. Đáng lo ngại hơn là tư tưởng “con bà tốt” bởi tâm lý, bố mẹ khó đánh giá chính xác con cái mình mà không bị cảm tính cho phối. “Cháu nhà tôi thông minh lắm, các cô, các chú nói thế nào ấy chứ…”. Thậm chí, chả ai dại mà… “vuốt râu hùm”.

Tóm lại, giản ai thì giản chứ không và ngàn lần không có chuyện… giản cháu. Hết ý kiến.

Đương nhiên, không “giản cháu” thì phải “giản cô, giản chú”. Nhưng khổ nỗi, “cô, chú” lại là “bạo lực lao động” của cơ quan nên mọi việc lớn nhỏ, “chú cô” cáng đáng hết. Giờ mà “giản” mấy “bạo lực” này thì gay, rất gay cho dân chúng và gay cho sự phát triển.

Và đã có những tiếng nói cất lên như ông Lê Văn Làm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM: “Tinh giản biên chế, không ngại con ông cháu cha” hay những lời cảnh báo của TS Sử học Trần Văn Miều: “Tư tưởng “cá nhân” của một bộ phận cán bộ lãnh đạo sẽ là rào cản lớn nhất trong việc tinh giản biên chế hiện nay”.

Tóm lại, tinh giản xin đừng “giản” những người “tinh” rồi lại bổ sung những người ngược lại, lười biếng và thiếu năng lực. Đây không chỉ là mong ước của người dân mà còn là trách nhiệm của các nhà lãnh đạo, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám