Tiết lộ “rúng động” và cuộc trường kỳ chống tham nhũng
(Dân trí) - “Mỗi lần đi xin giấy phép xuất khẩu gạo không dưới 20.000 USD” – Khi công bố con số này, lãnh đạo một doanh nghiệp trong ngành hẳn đã phải cân nhắc rất nhiều và cùng bất đắc dĩ mới công khai việc doanh nghiệp mình đi “lót tay”, hối lộ.
Để thấy, hệ thống giấy phép con và nạn tham nhũng vẫn đang hiện hữu lộ liễu thế nào trong đời sống kinh tế hiện nay.
Tại cuộc toạ đàm lấy ý kiến về sửa đổi Nghị định 109 của Chính phủ về xuất khẩu gạo tổ chức ngày 22/2 tại Tp HCM, một doanh nghiệp đã không ngần ngại đưa ra thông tin rúng động về nạn “bôi trơn”, thủ tục hành chính tiếp tục “hành” doanh nghiệp.
Báo Vietnamnet tường thuật: Ông Ngô Văn Nam, Tổng giám đốc Công ty ADC (TP. Hồ Chí Minh) tiết lộ: “Mỗi lần đi xin giấy phép xuất khẩu gạo, tốn ít nhất mấy chục ngàn đô”. Khi được đại diện ban tổ chức hỏi lại, ông Nam khẳng định “Thực sự, mỗi lần không dưới 20.000 USD!”. Đơn cử như quy định gia hạn khi hết thời hạn theo giấy phép xuất khẩu, doanh nghiệp cũng lại phải tốn tiền, nếu không sẽ mất tên trong danh sách được xuất khẩu gạo.
Ngay sau khi báo chí phản ánh thông tin trên, ngày 23/2, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo thành lập Đoàn xác minh nhằm làm rõ sự việc.
Về con số 20.000 USD "lót tay" cho mỗi giấy phép xuất khẩu gạo sẽ còn phải chờ kết quả điều tra của Bộ Công Thương. Thế nhưng, có lẽ câu chuyện không chỉ dừng ở đó. Vấn đề lớn hơn đó là cơ chế "đẻ" ra những loại giấy phép để buộc các doanh nghiệp phải trăm bề xoay xở, thậm chí sử dụng cách thức phi thị trường, phản chính sách đó là "mua giấy phép".
Bởi, cũng theo lời ông Nam, mỗi lần xuất khẩu gạo, công ty của ông còn tốn thời gian vào những việc không cần thiết như phải đi báo cáo Bộ Công Thương những nội dung như xuất khẩu bao nhiêu, còn tồn đọng bao nhiêu...
Đây là những bất cập vẫn còn tồn tại ở Nghị định 109 - một nghị định đang bị đánh giá là gây méo mó thị trường. Mấu chốt của Nghị định này là muốn được cấp giấy phép xuất khẩu, doanh nghiệp phải đáp ứng "một số" (!) tiêu chí như: Phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ; kho chứa, cơ sở xay, xát phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp và phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc, gạo.
TS.Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) bình luận, Nghị định 109 dễ dẫn đến xu hướng sàng lọc. Chỉ những doanh nghiệp lớn ngày càng có quyền lực thì tồn tại còn các doanh nghiệp nhỏ, không đáp ứng đủ điều kiện đề ra về năng lực kho bãi và xay xát sẽ bị loại bỏ...
Theo nhận xét của vị chuyên gia, "xuất khẩu gạo dường như đang trở thành sân chơi của các “ông lớn”, có ưu thế trên thị trường, đủ khả năng áp đặt các điều kiện bất lợi cho các chủ thể khác, đặc biệt là nông dân".
Nói tóm lại, sau gần một năm Chính phủ nỗ lực loại bỏ "giấy phép con" thì đến nay, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn đang phải tốn kém vì "đoạn trường" giấy phép nhiêu khê. Các doanh nghiệp không chỉ phải đau đầu vì bài toán đầu ra, vì diễn biến giá cả trên thị trường, mà còn phải khốn khổ vì giấy phép.
Tác hại của giấy phép con, chắc không cần phải nhắc lại, bởi bao nhiêu năm qua báo chí đã đề cập và phản ánh quá nhiều. Đây là hệ quả cũng là hiện thân của cơ chế xin - cho mà hiện nay chúng ta đang nỗ lực để hạn chế, dần tiến đến dẹp bỏ. Một khi vẫn còn "xin giấy phép" thì cũng có ba bảy đường để hạch sách mới đến khâu "cho phép".
Giấy phép con chính là một lá bùa gắn với tiêu cực và tham nhũng. Nói như Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà thì tham nhũng sẽ tiếp tục tăng nếu còn xin – cho, bởi một lẽ "con chuột mà sa chĩnh gạo thì chắc chắn nó sẽ ăn".
Không thể phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ trong việc đã loại bỏ khoảng 3.500 điều kiện kinh doanh trái luật hồi năm ngoái để chỉ còn 6 ngành nghề cấm kinh doanh và 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đây có thể coi là một đột phá rất lớn về thể chế kinh tế mà lãnh đạo Chính phủ đã cố gắng triển khai.
Tuy nhiên, từ những câu chuyện mà doanh nghiệp phản ánh quanh Nghị định 109 mới thấy còn cần rất nhiều đợt rà soát cần tiếp tục, không chỉ trong lĩnh vực xuất khẩu gạo mà ở tất cả các chính sách kinh tế. Không thể để các nhóm lợi ích thao túng chính sách, hưởng lợi từ những quy định vô lý đang “đè đầu cưỡi cổ” doanh nghiệp và người dân, cản trở sự phát triển của đất nước.
Thủ tướng và Chính phủ đã nêu rất rõ thông điệp làm sạch môi trường kinh doanh, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thông qua các Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35. Thủ tướng cũng rất kiên quyết trong chỉ đạo loại bỏ giấy phép con, loại bỏ những điều kiện kinh doanh trái luật được “cài cắm” trong thông tư, nghị định.
Thế nên, việc “xóa sổ” những quy định gây khó dễ doanh nghiệp là “việc phải làm ngay” chứ không còn là vấn đề cần xem xét. Bởi, nếu không như vậy, khác gì đi ngược lại tinh thần kiến tạo mà Chính phủ đã đặt ra?
Bích Diệp