Tiền trong dân rất nhiều, vì sao, thưa Bộ trưởng?

(Dân trí) - Từ cuối giờ chiều qua, báo chí, mạng xã hội đã dẫn lại, bình phẩm rất nhiều về câu nói bất ngờ của Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an tại phiên họp của Chính phủ. Ông nói: "Lượng tiền tồn đọng trong dân rất lớn".


(MInh họa: Ngọc Diệp)

(MInh họa: Ngọc Diệp)

Cụ thể, Thượng tướng, Bộ trưởng Công an cho rằng:"Hàng nghìn tỷ đồng cá độ đổ vào mùa bóng đá năm nay. Hàng nghìn tỷ đồng các tổ chức kinh doanh đa cấp huy động được dễ dàng… cho thấy Lượng tiền tồn đọng trong dân rất lớn". Đây là một hiện tượng hoàn toàn đúng và nhận xét của Bộ trưởng Tô Lâm cũng không hề sai.

Nhưng vì sao phát biểu của ông lại gây chú ý đặc biệt như vậy? Có những hoạt động, theo góc nhìn của một vị tướng Công an như ông Tô Lâm, thực sự đó là tội phạm. Ví dụ như: Cờ bạc, cá độ, kinh doanh đa cấp biến tướng (thành lừa đảo)...Nhưng có những hoạt động, bản chất thực sự là dịch vụ kinh doanh nhưng ở ngoài luồng: Đòi nợ, xiết nợ, cho vay nặng lãi, cầm đồ, môi giới, cò dịch vụ... mà có thể có tới hàng ngàn,hàng vạn, thậm chí hàng triệu cá nhân, hộ kinh doanh cá thể (nhiều hộ không đăng ký kinh danh) đã tham gia.

Ngay cả tệ nạn mại dâm, nếu theo góc nhìn của ngành công an thì đó là tệ nạn, cần dẹp bỏ. Nhưng sự tồn tại dai dẳng và khá sôi động của hàng loạt tụ điểm mại dâm lớn như tại Đồ Sơn (Hải Phòng), Quất Lâm (Nam Định)...thì thực chất đó cũng là một loại hình dịch vụ, có mua, có bán, phục vụ một nhu cầu luôn có trong đời sống. Chỉ có điều, nó không được thừa nhận, nộp thuế không đầy đủ cho Nhà nước thôi.

Tất cả những hoạt động này, được giới chuyên gia kinh tế từ lâu gọi là hoạt động "kinh tế ngầm" mà hiện nay, nhiều bộ, ngành hữu quan ở Việt Nam vẫn bó tay, chưa quản lý được. Theo một công trình nghiên cứu trên Tạp chí Phát triển Kinh tế của ông Võ Hồng Đức, chuyên gia của Uỷ ban quản lý kinh tế Perth, Úc về kinh tế "ngầm" ở Việt Nam và một số quốc gia ở Châu Á năm 2015 thì qui mô kinh tế "ngầm" của Việt Nam nếu ở mức thấp nhất cũng phải chiếm tới 16,9% GDP, mức trung bình là 29,2% và mức cao nhất sẽ chiếm gần 60% GDP.

Như vậy, dù ở mức thấp nhất, qui mô "kinh tế ngầm" ở Việt Nam đã thuộc nhóm cao nhất ở châu Á. Theo các nhà kinh tế học, kinh tế "ngầm" không hoàn toàn có màu đen. Đó là khu vực kinh tế linh hoạt, giải quyết nhiều việc làm, tạo thu nhập cho khá đông người dân. Nhưng mặt trái của nó cũng rất lớn: Trốn thuế, lách thuế, làm vô hiệu hoá quản lý nhà nước, tạo mảnh đất cho cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tội ác lộng hành...

Nền "kinh tế ngầm", hay còn gọi là khu vực kinh tế phi chính thức, theo cách gọi của các nhà kinh tế học, càng phình to thì khu vực kinh tế chính thức càng bất ổn, kéo theo những hệ luỵ nhất định về xã hội. Ở Việt Nam, trong nhiều năm qua, tình trạng này đã được minh chứng.

Trong phát biểu chiều qua của Bộ trưởng Tô Lâm, thực tế cũng đã nói lên những bất lực nhất định trong quản lý nhà nước hiện nay. Ông nói: "Hoạt động xiết nợ, đòi nợ thuê, hình thành các nhóm đâm thuê chém mướn làm nảy sinh thêm những băng nhóm tội phạm đang rộng đất sống".

Ông cũng đã tự giải thích:"Đó là vì những khoản tiền, những món nợ nhờ cơ quan nhà nước đòi không được trong khi đi thuê “dịch vụ” đòi nợ lại đòi được". “Tội phạm đòi được nợ nghĩa là nhà nước không xử lý được. Những bức xúc của người dân là có thật”, Thượng tướng Tô Lâm nhấn mạnh.

Một lý do chính khiến nền kinh tế "ngầm" ở Việt Nam lớn, khó kiểm soát, chính từ thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh hiện nay vẫn chưa được thuận lợi, còn quá nhiều rào cản và rủi ro về pháp lý. Như đầu tuần này, Chính phủ họp về các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh, đã phát hiện ra còn có tới 3.500 điều kiện kinh doanh trong đó, phần lớn là dạng "giấy phép con", trái luật...

Chính vì những rào cản, bất lợi từ chính sách như vậy, nhiều người dân, hộ kinh doanh hiện nay đã không dám đầu tư vào các kênh đầu tư chính thức mà đã mạo hiểm bỏ tiền vào những hoạt động, dịch vụ có thể cho sinh lời nhanh, thu hồi vốn nhanh: Bất động sản, chơi hụi, chơi họ, cho vay nặng lãi... Do đó, trong thời gian qua, đã có không ít các vụ vỡ hụi, lừa đảo kinh doanh đa cấp... nạn nhân lên đến hàng vạn người.

Tướng Tô Lâm nói rất đúng:"Tiền nhàn rỗi trong dân rất lớn. Vấn đề là làm thế nào huy động cho sản xuất, kinh doanh". Nhưng thưa Bộ trưởng: Ta hay nói người dân còn nghèo nhưng thực sự, không chỉ là tiền đồng, lượng ngoại tệ: đôla Mỹ, Euro... và các tài sản có giá trị lớn: vàng, bạc, bất động sản... trong dân còn rất lớn. Riêng ngoại tệ, nên nhớ, mỗi năm riêng kiều hối chuyển về nước đã lên tới 11-12 tỉ USD và đa phần người dân không gửi vào ngân hàng (vì lãi suất huy động bằng 0%).

Một con đường lớn, quan trọng vừa mở, lập tức có hàng ngàn công trình: Cửa hàng, khách sạn... lớn nhỏ được đầu tư, xây dựng lên dọc 2 bên đường đó ngay, đủ thấy người dân nhanh nhạy với đầu tư thế nào và lúc cần, họ huy động vốn rất nhanh.

Nhà nước đã thử huy động các nguồn lực trên bằng đủ loại đề án nhưng đều đã thất bại. Chỉ khi nào thể chế kinh tế được cải cách mạnh mẽ, môi trường kinh doanh thật thông thoáng, thúc đẩy tự do kinh doanh, cạnh tranh, việc đầu tư vào các công trình, dự án mà nhà nước huy động thực sự có hiệu quả, có lợi cho người dân, việc sử dụng tiền mặt được hạn chế thì những nguồn lực to lớn đó trong nhân dân mới "chảy" vào các kênh đầu tư chính thức, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Mạnh Quân