Tiên học lễ, vậy học lễ gì?

Phúc Hưng

(Dân trí) - Thực tế của giáo dục hiện nay quả thật là đã xếp chữ "Lễ" sau "Văn" từ lâu rồi. Tôi nghĩ điều đúng và đáng để chúng ta tranh luận với nhau đó là làm sao để làm mới lại chữ "Lễ"...

Thoạt tiên, khi đọc những ý kiến của giáo sư Trần Ngọc Thêm về việc chấm dứt khẩu hiệu: "Tiên học lễ, hậu học văn" tôi cũng đắn đo suy nghĩ nhiều. Nhất là khi giáo sư dẫn chứng những thứ mà lâu nay giáo dục Việt Nam vẫn còn tồn đọng vì một chữ "Lễ" cũ rích. Là sự phục tùng, điều một: thầy cô luôn luôn đúng, điều 2: thầy cô bảo không có điều 2. Lũ trẻ từ thế hệ chúng tôi, những thập niên 80-90 đều răm rắp như vậy. Một phát biểu khác ý thầy, nằm ngoài hiểu biết của thầy có thể thành tội gây rối lớp học. Tôi đã từng bị tuyên bố cho thi lại năm đó ngay khi mới là những tiết đầu của học kỳ 1. Và quả thật, thầy nói thì không sai bao giờ, năm đó tôi thi lại môn của thầy thật.

Chữ "Lễ" cũ kỹ quả thật là phiền phức và triệt tiêu năng lực sáng tạo của học trò, biến những đứa trẻ muốn điểm cao phải theo văn mẫu, học cách nhìn cái nhíu mày của thầy cô để sửa mình, rồi thành thói quen mà nhìn cái nhíu mày của cha mẹ, sếp, thậm chí bản thân tôi đến tận giờ còn sợ tiếng chép miệng hay cái nhíu mày của… vợ, con mình. Nó là sự ám ảnh.

Nhưng tôi chỉ đồng tình với giáo sư Thêm về sự cũ kỹ trong khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" và thật sự đáng ngại nếu chúng ta "bứt gốc" khẩu hiệu đó đi, biến chữ "Lễ" thành một phần ngang bằng với các bộ môn khác trong giáo dục. Bởi nhìn thử xem, môn Giáo Dục Công Dân trong nhà trường hiện nay thế nào? Thực tế của giáo dục hiện nay quả thật là đã xếp chữ "Lễ" sau "Văn" từ lâu rồi. Tôi nghĩ điều đúng và đáng để chúng ta tranh luận, phản biện với nhau đó là làm sao để làm mới lại chữ "Lễ" chứ không phải bỏ nó đi hay giữ nó lại. Bởi chữ "Lễ" ngày này chỉ còn lại chút thẻo bé xíu.

Có nhiều nhà giáo nói với tôi rằng: Dân chủ học đường là thứ khiến chữ "Lễ" ngày nay bị coi nhẹ. Học trò ngày nay có thể đưa thầy cô giáo của chúng lên "đoạn đầu đài" chỉ bằng một clip quay lén tung lên mạng. Nhiều phụ huynh theo trường phái "Con tôi là nhất" mà sẵn sàng xông thẳng vào lớp tát giáo viên. Rồi dân chủ học đường là cái cùm trói giáo viên khi học sinh vô kỷ luật thầy cô nói không được. Tôi không nghĩ vậy. Trái lại, tôi còn đồng tình với việc thực hành dân chủ trong học đường.

Chữ "Lễ" cũ cần được làm mới lại bằng dân chủ học đường. Nhưng không phải dân chủ theo kiểu cào bằng hay coi giáo dục như một cuộc mua bán được tính bằng học phí, biến mối quan hệ thầy - trò thành người bán chữ - khách hàng mua chữ. Dân chủ phải được xây dựng bằng sự tôn trọng. Là thầy tôn trọng trò, trò tôn trọng thầy. Chữ "Lễ" ở thời đại mới này chính là chữ "Lễ" từ việc học cách tôn trọng. Là chính các thầy cô bắt đầu học lễ trước khi dạy văn. Tôn trọng người học trước khi truyền thụ kiến thức hay khai phóng đầu óc cho họ.

Bỏ "Tiên học lễ, hậu học văn" không giúp cho học trò sáng tạo hơn, khai phóng hơn như giáo sư Thêm kỳ vọng. Mà nó chỉ tạo ra thêm những khoảng trống trên con đường học làm người của học trò khi mà chính cha mẹ, các phụ huynh giờ đã chỉ coi trọng tiếng Anh, Toán, Văn, Lý, Hóa… rồi sau rốt mới đến Sử, Địa và cuối cùng mới là Giáo Dục Công Dân, Thể Dục.

Một khẩu hiệu treo khắp các trường "Tiên học lễ, hậu học văn" tất nhiên không thay đổi được thực trạng giáo dục hiện nay chừng nào nó chỉ nằm trên tường thay vì trong tư duy giáo dục của từ thầy đến trò, từ những quyết sách giáo dục đến bài học trên lớp.

Tôi muốn nghĩ về chữ "Lễ" mà chúng ta, những ai đang phản đối giáo sư Thêm, phải phân tích lại. Chữ "Lễ" mà chúng ta muốn con em mình, học trò mình cần học đầu tiên là gì? Xin đừng chung chung, xin đừng chỉ là những chữ "Lễ" đã hết hạn sử dụng khi mà vẫn để xảy ra 231 cái tát hay học trò chịu phạt bằng uống nước giẻ lau bảng, những giáo viên gọi học trò là "lũ mặt lợn" mà học trò buộc phải tôn sư ngay cả khi thầy cô không còn trọng đạo.

Chữ "Lễ" của 2021 mà chúng ta muốn con em mình, học trò mình cần học đầu tiên là gì? Nếu chúng ta không tìm ra được, không thực hiện được thì chúng ta buộc phải chấp nhận lời của giáo sư Thêm như một sự thua cuộc. Rằng chúng ta cứ giữ khẩu hiệu ấy chỉ vì chúng ta muốn tụi học trò phải sợ quyền làm thầy, phải tuân theo lệnh thầy, phải bị trói nghiến trong chữ "Lễ" đó để bảo toàn quyền của thầy cô. Mà như vậy, bỏ đi như ý của giáo sư Thêm lại là điều mà các cha mẹ, phụ huynh như tôi sẽ ủng hộ.

UNESCO đưa ra 4 trụ cột giáo dục mới về việc học suốt đời gồm: Học để biết, học để làm việc, học để chung sống và học để khẳng định mình. Tôi đã thấy nhiều ngôi trường treo chúng lên ngang bằng với khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn". Tôi nghĩ mãi về chữ "Lễ" trong học để biết, chữ "Lễ" trong học để làm việc, chữ "Lễ" trong học để chung sống và chữ "Lễ" trong học để khẳng định mình.

Nếu một đứa trẻ khuyết đi chữ "Lễ" hoặc xếp chữ "Lễ" sau tất cả, liệu chúng ta có yên ổn khi nghĩ đến mai này? Và cả những thầy cô hôm nay, chữ "Lễ" mà các thầy cô đang muốn dạy học trò mình là gì? Bao nhiêu thầy cô chỉ quan tâm đến điểm số, thành tích mà quên dạy học trò chữ "Lễ" như chiếc khẩu hiệu đã treo trong ngôi trường hàng ngày chúng ta tới?

Tiên học lễ, vậy lễ là dạy học trò những gì?

 Hoàng Anh Tú

Nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú được biết đến là anh Chánh Văn nổi danh một thời của báo Hoa Học Trò. Hiện nay anh được biết đến trong vai trò là chuyên gia tâm lý, khách mời quen thuộc tư vấn các vấn đề giáo dục, bình đẳng giới, dạy con và gia đình...