Tỉ phú tây & “Đại gia” ta!

(Dân trí) - Để trở thành tỉ phú ở bên Tây không hề đơn giản. Họ phải thực sự có tài năng, lao động cật lực nên hết sức trân trọng giá trị của đồng tiền, của nhân cách, biết cảm thông và chia sẻ. Còn “đại gia” của ta, không ít kẻ giàu lên nhờ lừa lọc, nhờ luồn lách và cả tham nhũng.

 

Tỉ phú tây & “Đại gia” ta! - 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)

“Nếu các con tôi giỏi hơn tôi thì chẳng cần phải để nhiều tiền cho chúng. Nếu chúng kém cỏi thì có nhiều tiền cũng chỉ có hại cho chúng mà thôi”.

Đó là lời khẳng định của “ông Tây” Châu Á, Yu Pang-Lin khi ông này qua đời ở tuổi 93 với bản di chúc hiến toàn bộ số tiền 2 tỉ USD cho hoạt động từ thiện.

Thật ra, ông Yu Pang – Lin không có gì là “độc đáo” bởi trước ông, đã có nhiều tỉ phú với khối tài sản khổng lồ hơn nhiều đã làm như vậy.

Tỉ phú hàng đầu thế giới Bill Gates tuyên bố sẽ chỉ để lại cho con cái ông 0,05%  trong số tài sản lên đến gần 80 tỉ USD (tính ở thời điểm hiện tại) của mình.

Tỷ phú Bernard Marcus - Chủ tịch của hãng bán lẻ hàng đầu thế giới Home Depot cũng tuyên bố sẽ không để lại toàn bộ số tài sản kếch xù cho những người con của mình.

Lý giải tại sao không để lại tài sản cho con cái, ông Yu Pang-Lin nói: 'Nếu các con tôi giỏi hơn tôi thì chẳng cần phải để nhiều tiền cho chúng. Nếu chúng kém cỏi thì có nhiều tiền cũng chỉ có hại cho chúng mà thôi'.

Tỉ phú Bill Gates chia sẻ: 'Con tôi là con người, mà đã là con người thì phải tự kiếm sống, không chỉ kiếm sống để phục vụ chính bản thân mình mà còn phải góp phần thúc đẩy xã hội. Đã là con người thì phải lao động. Tại sao tôi phải cho con tiền?”.

Tỉ phú Warren Buffett tâm sự: “Tôi chỉ cho con những bài học về giá trị cuộc sống chứ không phải là một xấp giấy bạc. Muốn giàu có hãy tự mình đi tìm cách để biến nó thành sự thật”.

Ngược lại, rất nhiều người con của các tỉ phú lừng danh này cũng đầy tự trọng. Họ cám ơn nhưng từ chối tài sản của cha mẹ mình để lại.

Tỉ phú Stephen Covey - người từng được tạp chí Time bầu chọn là 1 trong 25 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới sau khi ông mất (năm 2012), tất cả 9 người con của ông không ai nhận tài sản kế thừa với lý do rất giản dị rằng họ hoàn toàn có thể tự lao động, tự kiếm sống được.

Tỉ phú Warren Buffett viết di chúc chỉ để lại 10% tài sản của mình cho con, còn lại là làm từ thiện. Song, cả ba người con, dù không phải quá giàu có nhưng từ chối và dành toàn bộ số tiền đó cho từ thiện.

Chuyện tỉ phú, “đại gia” ta thì gần như… ngược lại. Sống trên đời hơn nửa thế kỉ, người viết bài này chưa từng thấy có một “đại gia” nào di chúc để tài sản lại làm từ thiện và tất nhiên, cũng không thể có người con nào từ chối.

Giờ đây, không ít người thậm chí quyết định “hi sinh đời bố, củng cố đời con”. Cũng không ít những “tỉ phú tham nhũng” thà “chết” trong tù, quyết không chịu đền bù tài sản, dù chỉ… một đồng.

Có đồng tiền, họ thi nhau “khoe mẽ”, dốc tiền vào những chai rượu ngàn đô, các cuộc “mát mẻ” với “gầm cao, chân dài” tiêu tốn hàng trăm triệu bạc/đêm.

Những người con của họ, không ít kẻ vớ được đồng tiền không mất mồ hôi công sức cũng thỏa sức tung hoành, tiêu tiền như đốt lá khô.

Họ không hề kém cạnh trong vệc tiêu tiền so với bậc tiền nhân. Cũng tiệc tùng xa hoa, cũng chơi bời sa đọa… Thôi thì “Giọt trước rỏ đâu, giọt sau rỏ đó”.

Vì sao lại có sự khác nhau như vậy?

Đơn giản vì để trở thành tỉ phú ở bên Tây không hề đơn giản. Họ phải thực sự có tài năng, lao động cật lực nên hết sức trân trọng giá trị của đồng tiền, của nhân cách, biết cảm thông và chia sẻ.

Còn “đại gia” của ta, không ít kẻ giàu lên nhờ lừa lọc, nhờ luồn lách và cả tham nhũng.

Những “đồng tiền bẩn” được kiếm môt cách chóng vánh nên ra đi cũng chóng vánh.

Còn một điều, con của các tỉ phú Tây nối theo gien bố, là những người thực tài và chăm chỉ. Họ đủ vững tin cũng như lòng kiêu hãnh để đi trên chính đôi chân của mình.

Còn con cái “đại gia” ta, không ít kẻ dốt nát, lười biếng và chỉ ham hưởng thụ.

Cha kém thì con kém nên chẳng có gì lạ?

Bùi Hoàng Tám

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!