Thuốc chữa nào cho bệnh "nhờn" chỉ đạo?

(Dân trí) - Sự tồn tại của những chiếc phong bì, những khoản lót tay tưởng là nhỏ lại đang làm méo mó, hoen ố diện mạo của cả một ngành, ảnh hưởng đến hiệu quả của nền kinh tế.

Thuốc chữa nào cho bệnh nhờn chỉ đạo? - Ảnh 1.

Một khảo sát vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng cục Hải quan công bố đầu năm nay cho thấy, Bộ Công Thương đang là nơi bị doanh nghiệp phản ánh có nhiều chi phí không chính thức nhất.

Chi phí không chính thức hay còn gọi là chi phí "bôi trơn", "lót tay", chi phí "gầm bàn", "tham nhũng vặt"… đại ý là những chi phí mà doanh nghiệp, người dân phải chi trả ngoài quy định cho cán bộ, công chức khi thực hiện thủ tục hành chính.

Đây chẳng phải là vấn đề gì mới mẻ. Từ năm 2014 đến 2018, Chính phủ liên tục ban hành các nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó luôn đề cập đến việc giảm thiểu, tiến đến loại bỏ chi phí không chính thức "hành" doanh nghiệp. Bản thân người viết cũng không nhớ nổi trong những năm qua đã viết bao nhiêu bài báo để lên án tệ nạn này.

Thế nhưng, cho đến tận thời điểm này, báo cáo của VCCI vẫn cho thấy, có 15% doanh nghiệp khẳng định sẽ bị phân biệt đối xử nếu không trả chi phí chính thức ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, chủ yếu là làm thủ tục xuất nhập khẩu.

Dữ liệu này thực sự đáng lo ngại nhất là khi xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã bị tụt 1 bậc so với năm trước, xếp thứ 69/190 nền kinh tế trên thế giới. Chỉ số thuận lợi của môi trường kinh doanh Việt Nam thậm chí còn thua xa nhiều quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia, Brunei, Thái Lan…

Chiều ngày 9/1, vấn đề này tiếp tục được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết ngành tài chính. Người đứng đầu Chính phủ nói thẳng vào tình trạng này đó là "kẹp phong bì giải quyết hồ sơ".

"Chi phí không chính thức giết doanh nghiệp. Tại sao doanh nghiệp mãi không lớn, một phần do đây". Phát biểu của Thủ tướng phần nào thấy, một bộ phận không nhỏ những cán bộ cấp dưới đang ngang nhiên làm trái nguyện vọng của người dân, làm trái chỉ đạo của Thủ tướng, của Chính phủ, dù sự tồn tại của những hình thức tham nhũng đó, cá nhân Thủ tướng và Bộ trưởng đều đã biết!

Chính bởi thực tế ấy, trong năm nay và cả những năm tới, các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương sẽ có rất nhiều việc phải làm.  

Đặc biệt là tại Bộ Công Thương. Cho dù năm vừa qua, với việc cắt giảm mạnh mẽ 675 điều kiện kinh doanh, Bộ Công Thương đã được Thủ tướng khen ngợi, được đánh giá là đã "gương mẫu trong thực hiện cam kết với Thủ tướng", song kết quả cuộc khảo sát mới đây cho thấy, vẫn rất nhiều thách thức chờ đợi Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phía trước.

Mà muốn "nóng đồng bộ", nóng từ trên xuống dưới chứ không phải là "trên nóng dưới lạnh" thì bắt buộc phải thay đổi, có những chế tài cụ thể, mạnh tay với các công chức đã "nhờn" luật, "nhờn" chỉ đạo.  Đó quả thực là điều không hề dễ dàng gì.

Chính bởi vậy, thực tế đòi hỏi ở người lãnh đạo không chỉ là nhận thức mà còn là sự tận tuỵ và quyết liệt trong hành động, "nói đi đôi với làm". Cho cùng thì tín nhiệm đâu chỉ thể hiện qua kết quả của những lá phiếu, mà chính trong sự ghi nhận của mỗi người dân.

Chẳng ai trong hàng chục triệu người dân lại muốn phải bắt đầu năm mới bằng câu hỏi đầu tiên là "tiền đâu" khi đi làm thủ tục hành chính cả!

Bích Diệp