Thời xe khách “lộng quyền” mà chính quyền và người dân thì... “hiền” quá!
(Dân trí) - Sau Tết, lại là lúc cơn ác mộng xe khách lại tái diễn. Thế nhưng, năm nào cũng như năm nào, các chỉ thị được ban ra, khung phạt hình phạt treo trên đầu còn doanh nghiệp vận tải vẫn tích cực vi phạm.
Chuyến xe khách giường nằm chạy Vinh – Hà Nội chật ních. Những người được nằm tầng 2 còn dễ thở, còn nằm tầng một thì chẳng khác nào đi tị nạn, khách tràn ra cả các lối đi. Chủ xe lót mấy tấm nệm, thế là thành chỗ ngả lưng tàm tạm.
Ông cụ hơn 60 tuổi chật vật nằm ngay dưới chân cậu thanh niên trẻ, thở dài: “Thôi thì chịu khó, nhắm mắt cái rồi mở mắt ra đã về đến nhà. Thời giờ còn sướng hơn khối so với mấy cái xe xập xệ ngày xưa”.
Rủi nỗi, xe đậu đỗ liên tục, có muốn chợp mắt hết đêm cũng khó.
Với những người xa quê thường xuyên phải đi xe khách thì cảnh này không có gì lạ. Thậm chí, được nằm đã sướng, vì nhiều xe làm ăn kinh tế lắm, còn yêu cầu khách ngồi cho tiết kiệm diện tích, nhân tiện “nhét” thêm được vài ba người nữa.
“Các bác thông cảm cho nhà xe, cả năm bọn cháu mới được một bận thế này”, anh lơ xe cũng chẳng khách sáo gì, “xổ toẹt” luôn lý do với khách. Vị khách nào còn thắc mắc thì xin mời tìm sang xe khác, xe nào thì cũng thế cả thôi.
Cách đây hơn một tháng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị yêu cầu các Sở Tài chính phối hợp với các Sở Giao thông Vận tải có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, lợi dụng lượng hành khách tăng trong dịp lễ, tết, cao điểm để tăng giá vé. So với những năm trước, năm nay phản ứng chính sách của các cơ quan điều hành tỏ ra khá “nhạy” vì đón đầu xu hướng của giới kinh doanh vận tải.
Thế nhưng, mệnh lệnh hành chính là một chuyện, có can thiệp được thị trường hay không lại là chuyện khác. Vừa qua, các báo đồng loạt đưa tin nhà xe các chặng đường dài trên khắp cả nước đăng ký tăng giá vé đến 60%. Tuyến Đà Nẵng tại bến xe Giáp Bát đã thông báo mức giá điều chỉnh dịp Tết từ 340.000 đồng/khách lên đến 580.000 đồng/khách (tăng khoảng 60%). Giá vé xe khách từ Hà Nội đi TP.HCM thường ngày có giá 620.000 đồng/khách đã được nâng lên 900.000 đồng/khách.
Đó là chưa kể, trên thực tế, giới kinh doanh xe khách có rất nhiều cách để lách. Chẳng hạn, giá vé mỗi lượt Hà Nội - Vinh trong năm phổ biến là 200 nghìn, các xe in vé 250 nghìn nhưng thực chất giao dịch với khách giá đội lên 300 -350 nghìn.
Khách hàng có thể thắc mắc, nhưng sẽ không có lựa chọn vì đây là “giá chung” và thêm một lý do nữa là: “Người đi đông lắm, không mua thì sẽ hết vé”. Vấn đề nằm ở chỗ, mặc dù phải trả giá cao hơn nhưng chất lượng dịch vụ lại tệ hơn do nhà xe vẫn không ngừng nhận khách quá tải, dẫn đến chen chúc, lộn xộn.
Ở nơi nào đó có thể có chuyện khách hàng không hài lòng thì khởi kiện doanh nghiệp chứ ở ta, xưa nay hiếm thấy điều này. Một là ít có tiền lệ, hai là người ta ngại, mất thời gian và ba là mấy trăm nghìn không đủ động lực để người ta đi khởi kiện. Lại chậc lưỡi, thôi thì cứ trả thêm một chút cho được việc.
Cũng có những trường hợp bộc phát, khách hàng có ý kiến với nhà xe nhưng thông thường kết quả là xảy ra cãi vã, xô xát chứ chẳng giải quyết được gì. Bây giờ không thiếu thốn dịch vụ đi lại, nhưng cảnh “khách lụy chủ xe” vẫn phổ biến lắm. Bỗng dưng lại nghĩ, giả sử như có ngày dân ta khó tính hơn, sẵn sàng từ chối những dịch vụ giá cao kém chất lượng thì hẳn rằng, các nhà xe cũng chẳng dám “lộng quyền” như bây giờ.
Trong các văn bản của cơ quan chức năng có đưa ra khuyến nghị với người dân, rằng nếu phát hiện nhà xe nào vi phạm thì phản ánh và các nhà xe này sẽ bị “bêu” tên và xử phạt hành chính. Tuy nhiên, cách phạt cho tồn tại này rất khó có tính răn đe, vì thông thường các nhà xe sẵn sàng vi phạm để nộp phạt, miễn bài toán kinh tế hiệu quả hơn.
Đây có lẽ vẫn sẽ là câu chuyện dài, cần những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn, cần loại bỏ được những “cú bắt tay ngầm” giữa cơ quan chức năng với những nhà xe vi phạm. Trong thời gian chờ đó, chỉ thương những công nhân nghèo như cô bé nhà bên, Tết đến mà không về được vì lộ phí đắt đỏ, đường sá cách trở xa xôi, lúc về đã khổ mà khi đi cũng khổ...
Bích Diệp