Thơ Bác những mùa xuân
(Dân trí) - Tính đến mùa xuân này là 47 mùa xuân (1969 - 2016) Bác Hồ mãi mãi ra đi. Và cũng có nghĩa là 47 giao thừa không còn có được sự hồi hộp chờ đợi giây phút thiêng liêng: Bác Hồ đọc thơ chúc tết đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ở nước ngoài trên Đài tiếng nói Việt Nam.
Ngày ấy, số lượng các cơ quan thông tấn của ta còn ít ỏi, chỉ đếm trên mấy bàn tay. Đài truyền hình Việt Nam chưa có, các tờ báo chủ yếu là báo tuần và báo tháng. Đài Tiếng nói Việt Nam thì phát với tần số yếu, không phải nơi nào cũng có sóng.
Vả lại, phương tiện để nghe lúc ấy cũng rất thô sơ và hiếm, rất hiếm. Cả xóm, thậm chí cả làng may mới có một nhà có cái đài bán dẫn. Vì thế ở nhiều nơi, người dân thay vì đón giao thừa ở nhà mình, thường tụ tập nơi có radio để được nghe Bác Hồ đọc thơ chúc tết. Hồi hộp nhất là giây phút Bác đọc thơ. Cả không gian miền quê im ắng bỗng càng tĩnh lặng một cách linh thiêng.
Khi chiếc đài sau một hồi rẹt rẹt chợt lặng đi rồi bỗng cất lên tiếng cô phát thanh viên: “Nhân dịp năm mới, mời đồng bào, chiến sĩ trong cả nước và kiều bào ở nước ngoài lắng nghe thơ chúc tết của Hồ Chủ tịch” là không gian như chùng xuống.
Rồi lời Bác đầm ấm vang lên: “Đồng bào, chiến sĩ và kiều bào ở nước ngoài thân mến! Các cháu thanh thiếu niên yêu quý…” là tất cả lặng đi.
Khi Bác đọc xong, bọn trẻ con chúng tôi thì hồ hởi còn các bậc cao niên thì sôi nổi luận bàn. Không chỉ bàn về từng câu, từng chữ, các cụ còn bàn về giọng nói của Người để dò xem năm nay, sức khỏe Bác thế nào? Có năm, nghe giọng Người hơi yếu là lại lo lắng không biết sức khỏe Bác ra sao?
Trong suốt cuộc đời mình, Bác đã làm tất cả 22 bài thơ chúc tết. Có năm Bác đọc thơ sau lời chúc tết nhưng cũng có năm Bác chúc tết bằng thơ. Bài thơ đầu tiên là Thơ chúc tết Xuân Nhâm Ngọ (1942), Bác đã viết:
“Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!
Chúc Việt Minh ta càng tấn tới
Chúc toàn quốc ta trong năm này
Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới!”.
Bài thơ giản dị như một lời hiệu triệu, đầy tinh thần lạc quan cách mạng và khi đó, Người đã tiên đoán một ngày “Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới”.
Bài cuối cùng Bác viết là vào năm Kỉ Dậu (1969):
“Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Ðánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên chiến sĩ đồng bào
Bắc-Nam sum họp, xuân nào vui hơn!”.
Thơ Bác là thế, giản dị và mộc mạc song gửi gắm tình cảm của vị lãnh tụ kính yêu tới đồng bào của mình cùng với những lời hiệu triệu và chiến lược hành động của đất nước.
Trong bài Thơ chúc tết 1969, tất cả có sáu câu thì câu đầu là tổng kết năm cũ (Năm qua thắng lợi vẻ vang), vạch ra mục tiêu cho năm mới (Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to), câu thứ ba là khẩu hiệu hành động (Vì độc lập, vì tự do), câu thứ tư là phương châm, kế sách (Ðánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, câu thứ năm là lời hiệu triệu (Tiến lên chiến sĩ đồng bào) và câu thứ sáu là cho ngày thắng lợi cuối cùng: “Bắc – Nam sum họp xuân nào vui hơn”.
Sau này, lịch sử thống nhất đất nước đã diễn ra đúng như lời tiên đoán trong thơ của Bác. Và Mùa xuân 1975 là mùa xuân cả nước vỡ òa trong niềm vui thống nhất: “Bắc-Nam sum họp…!”, để cả nước cùng hát vang bài hát: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…”.
Thêm một mùa xuân mới đã về và cũng là thêm một mùa xuân vắng Bác, nhưng lý tưởng của Bác, tình cảm của Bác vẫn còn mãi với non sông, đất nước. Bác không chỉ “Nằm trong lăng giấc ngủ bình yên” mà Bác đã, đang và mãi mãi đồng hành cùng dân tộc. Mỗi người dân không chỉ thấy hình bóng Bác trong cuộc vận động Học tập tấm gương đạo đức của Người mà còn như thấy Người đang cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện tốt Văn kiện của Đại hội Đảng XII.
Vào phút giao thừa thiêng liêng 2016, như vẫn còn vang vang lời thơ của Bác. Nhớ Người, chúng ta nguyện tiếp bước mạnh mẽ trên con đường đổi mới, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đồng thời đẩy mạnh công cuộc chống "giặc nội xâm" tham nhũng lãng phí; xây dựng nước Việt Nam hùng cường, "sánh vai với các cường quốc năm châu" như lời của Bác.
Mỗi mùa xuân đến, có lẽ trong tâm tưởng của rất nhiều người Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài luôn nhớ về Bác. Lời thơ Bác vẫn đang đồng hành cùng mùa xuân đất nước!
Bùi Hoàng Tám