Thật hết biết với những vị "chúa chổm" ngày nay ở cơ quan nhà nước
(Dân trí) - Được biết mới đây, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã yêu cầu tỉnh Thanh Hóa xác minh, báo cáo về vụ việc Cơ quan Huyện ủy, UBND huyện Yên Định (Thanh Hóa) mắc nợ với số tiền lên tới 50 tỉ đồng.
Ngày 16.3, báo Dân trí đã đăng tải bài viết: "Oái oăm Huyện ủy, Ủy ban nợ hơn 50 tỷ đồng không có khả năng trả", do tình trạng chi tiêu rất bừa bãi thời kỳ 2011-2015 của Huyện ủy và UBND huyện yên Định, Thanh Hóa, số nợ với cán bộ nhà nước, người dân, doanh nghiệp tại huyện Yên Định khoản tiền lên tới 50 tỷ đồng.
Số tiền được cho là "không còn khả năng chi trả" này lại chính là các khoản mà nhiều cán bộ, công chức của văn phòng Huyện ủy, văn phòng UBND và các phòng ban trực thuộc của 2 cơ quan này bị Huyện ủy và UBND huyện nợ tiền.
Trong đó, ngoài một số khoản chi vào việc công như tiền sửa sang công sở, tiền xăng xe... thì cũng có rất nhiều khoản chi cho ăn uống, nhà hàng, nghỉ khách sạn... khi tiếp khách của lãnh đạo huyện thời kỳ đó.
Được biết thời điểm nợ, ông Hoàng Cao Thắng làm Bí thư Huyện ủy và bà Ngô Thị Hoa là Chủ tịch UBND huyện.
Khi cả 2 vị lãnh đạo huyện nói trên đã nghỉ hưu và những cán bộ đã từng phải bỏ tiền túi ra tạm chi tiêu cho các khoản "vung tay quá trán" của họ đã không thể đòi lại được vô số khoản nợ đó. Cho dù, họ đã làm rất nhiều đơn kiện lên cấp trên, thậm chí kiện cả ra Tòa án nhân dân huyện Yên Định, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Rồi chính những cán bộ, công chức bị nợ đó cũng lại nợ nhiều nhà hàng, khách sạn, người dân tiền các khoản mà lãnh đạo huyện này thời đó đã yêu cầu chi tiêu, mua sắm.
Thực ra cũng không chỉ có Huyện ủy, UBND huyện Yên Định của tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua cũng có một số cơ quan cấp huyện ở một số tỉnh, thành khác như Văn phòng UBND huyện Tương Dương tỉnh Nghệ An cũng đã xảy ra tình trạng trên, dẫn đến khiếu nại kéo dài và thực sự là chuyện đáng xấu hổ của các cơ quan nhà nước đó.
Cách đây 4 năm (2016), UB Kiểm tra Tỉnh ủy Hải Dương đã từng phải làm đơn xin hỗ trợ hơn 300 triệu đồng trả cho tiếp khách hay vụ HĐND tỉnh Gia Lai cũng tiếp khách hết có… 3,5 tỉ đồng…
Có tình trạng này là do nhiều vị lãnh đạo chính quyền địa phương “vung tay quá trán”, chỉ đạo cấp dưới tạm ứng, tạm chi nhưng rồi sau đó không có nguồn chi thì để nợ nần kéo dài, có nơi đến mức không thể trả được.
Do đó, rất cần những cuộc thanh tra, kể cả điều tra của các cơ quan bảo vệ pháp luật làm rõ tính hợp pháp, bất hợp pháp của các khoản chi tiêu bừa bãi này và trách nhiệm của những người liên quan. Nếu có những khoản chi là do yêu cầu bức thiết của công việc thì ngân sách có thể chi trả.
Nhưng nếu là những khoản chi có tính chất ăn chơi, chi tiêu cá nhân hay có những khoản chi không đúng quy định nhà nước khác thì cần bắt buộc những người ra lệnh chi đó phải chịu trách nhiệm đền bù, trả lại cho người bị nợ.
Thậm chí, cũng rất cần phải buộc một số người liên quan phải chịu trách nhiệm hình sự, nếu đủ căn cứ là họ đã cố tình làm trái các quy định nhà nước trong việc chi tiêu, mua sắm trong thời kỳ họ làm lãnh đạo ở cơ quan nhà nước, nơi xảy ra tình trạng nợ quá lớn như vậy.
Trở lại với vụ việc ở Yên Định, trao đổi với báo chí ông Đầu Thanh Tùng, Bí thư Huyện ủy Yên Định cho biết, “ngay sau khi có chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa, Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Định đã tiến hành họp và đã thành lập các tổ công tác, đồng loạt tiến hành rà soát, xác minh những nội dung mà báo chí nêu để tiến hành xác minh xử lý”.
Tuy nhiên, theo tôi, cách tốt nhất có lẽ nên chuyển cơ quan điều tra để sáng tỏ như Gia Lai đã từng làm. Còn nếu vẫn để “xử lý nội bộ” với “bài ca” quen thuộc “phê bình, khiển trách, rút kinh nghiệm sâu sắc…” thì e rằng ở nơi này, nơi khác, sự việc còn tiếp diễn.
Mạnh Quân