Thành tích phòng chống tham nhũng cũng bị "tham nhũng"... khá phổ biến!

Bùi Hoàng Tám

(Dân trí) - Chuyện tham nhũng ở ta không lạ. Thế nhưng chuyện "tham nhũng" cả kết quả phòng, chống tham nhũng thì lạ bởi có lẽ nó ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Vậy mà, nó đã xảy ra ở mức… khá phổ biến.

Thành tích phòng chống tham nhũng cũng bị tham nhũng... khá phổ biến! - 1

Theo thông tin từ báo Dân trí, Thanh tra Chính phủ cho biết, tình trạng này khá phổ biến ở các địa phương. "Thực tế triển khai những năm qua cho thấy, tình trạng tự đánh giá của các địa phương còn thiếu chính xác, thiếu căn cứ, vượt quá kết quả đạt được thực tế diễn ra khá phổ biến", Thanh tra Chính phủ nhận định.

Có lẽ cũng cần nói rõ thêm, tham nhũng thực chất là hành vi gian dối để cầu lợi. Do đó, nó biểu hiện dưới muôn vàn hình thức từ tham nhũng chính sách, tham nhũng quyền lực, tham nhũng tiền bạc đến "tham nhũng tình ái" (hối lộ tình dục). Giờ đây, nó còn "biến thái" sang cả kết quả phòng chống tham nhũng.

Vì sao có sự gian dối này? Tất nhiên là phải vì chữ "lợi" vì có mối lợi gì đó thì người ta mới gian dối chứ chẳng ai gian dối mà không cầu lợi cả. Còn cái lợi ở đây là gì thì tùy theo từng trường hợp cụ thể mà chỉ họ mới biết chính xác nhất.

Việc đánh giá chính xác, khách quan, thực chất kết quả công tác phòng, chống tham nhũng của các địa phương rất quan trọng. Nó vừa đề cao trách nhiệm của các địa phương, vừa đề cao vai trò, trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong công tác quản lý nhà nước về công tác này. Do đó, nếu có sự sai lệch trong báo cáo sẽ dẫn đến sai lệch trong phương pháp và tất nhiên, sai lệch kết quả toàn cục.

Một trong các lý do có hiện tượng này, theo Thanh tra Chính phủ thì Điều 21 Nghị định số 59/2019 quy định các bộ, ngành, địa phương gửi kết quả đánh giá cho Thanh tra Chính phủ để tổng hợp mà không quy định việc Thanh tra Chính phủ thẩm định kết quả đánh giá nên dẫn đến việc chấm điểm mang tính hình thức. Từ đó, sẽ có những địa phương vì thành tích mà tự đánh giá không chính xác, khách quan, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng nói chung.

Để khắc phục, Thanh tra Chính phủ đề xuất sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP theo hướng quy định rõ trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong việc thẩm định lại kết quả tự đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của các bộ ngành, địa phương trước khi tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Quốc hội.

Một khi mà  tham nhũng "không từ thứ gì" kể cả kết quả phòng chống tham nhũng thì đây là đề xuất hợp lý, vừa đảm bảo trung thực kết quả giám sát, vừa thông qua các đại biểu Quốc hội thực hiện công khai, minh bạch với cử tri, phải không các bạn?