“Tham nhũng vặt” nhưng hậu quả không hề “vặt”
(Dân trí) - Đóng một con dấu đã có chữ ký của người có trách nhiệm cũng vài ba chục ngàn. Thông quan qua hải quan đúng trình tự, pháp luật cũng vài ba trăm ngàn. “Đến bệnh viện, trường học, đi xin việc, rồi việc này việc khác phải đưa phong bì, phong bao” như lời của Thủ tướng…
Sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Lê Chân, TP Hải Phòng. Tại đây, Thủ tướng cho biết sắp tới sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc chống tham nhũng vặt.
“Tham nhũng lớn chúng ta đã nghiêm trị rất nhiều, nhiều cán bộ có liên quan đã bị xử lý nghiêm theo pháp luật, nhưng tham nhũng vặt còn là vấn đề nhân dân rất kêu ca… Tiền không phải quá nhiều nhưng gây phiền lòng người dân. Đây là thói xấu phải lên án, giám sát, có biện pháp kiên quyết để người dân yên tâm chứ không phải cứ đến bệnh viện, trường học, đi xin việc, rồi việc này việc khác phải đưa phong bì, phong bao”. Thủ tướng nói.
Thông điệp này của Thủ tướng tiếp tục cho thấy công cuộc phòng chống tham nhũng vừa qua có những chuyển biến manh mẽ. Tuy nhiên, mới “tạm dừng” ở các vụ án lớn, “lò” mới cháy ở cấp trung ương. Trong khi tại các địa phương, sự lan tỏa, chuyển biến chưa nhiều.
Các vụ việc được xử lý vừa qua cho thấy mới tập trung ở những vụ án trọng điểm và thường theo chỉ đạo của Bộ Chinh trị, Ban Bí thư. Đây là việc làm cần thiết và nói như người xưa “đầu xuôi, đuôi lọt” đồng thời xóa đi cái gọi là chống tham nhũng kiểu “quét cầu thang ngược”. “tắm từ vai”…
Song, nếu xét về mức độ thi một vụ tham nhũng hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng dẫu thiệt hại kinh tế là lớn, rất lớn nhưng nếu xét về mức độ ảnh hưởng niềm tin thì cũng chưa chắc đã khác nhiều so với vụ tham nhũng vài ba chục triệu, thậm chí vài ba chục ngàn đồng.
Phân tích thì dài nhưng về bản chất, dù vài chục ngàn đồng hay vài chục tỉ cũng là tham ô. Một cán bộ thôn, xã cầm phong bì của người dân dẫu ít, rất ít nhưng hình ảnh ấy, hành vi ấy trong mắt mỗi người dân không hề nhỏ. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin và cả sự tôn trọng cần thiết đối với một “công bộc”.
Nói rộng ra, uy tín của Đảng, của thể chế cầm quyền sẽ ảnh hưởng không nhỏ bởi với người dân, Đảng không chỉ ở những chủ trương, đường lối, ở các Ủy viên Trung ương hay cao hơn nữa mà Đảng hiện diện trong mỗi hành vi, cách ứng xử của mỗi đảng viên trong làng, trong xóm, trong cơ quan, đơn vị.
Vì thế, công cuộc phòng chống tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ không chỉ ở cấp Trung ương mà còn cần lắm, từ mỗi đảng viên ở từng cơ sở.
Có lẽ cũng cần nhắc lại, công bằng thì thời gian qua, “lò” chống tham nhũng mới “rừng rực” ở trên chứ chưa nhận thấy sự lan tỏa xuống dưới. Ở không ít nơi, các quan xã, quan huyện và thậm chí quan tỉnh vẫn “bình chân như vại”, mặc cho “cháy nhà hàng xóm”…
Tất nhiên, cái gì cũng cần có thời gian và “lò” chống tham nhũng cũng vậy.
Mong rằng năm 2019 sắp tới và các năm tiếp theo, ngọn lửa chống tham nhũng không chỉ “cháy” ở trên, ở những vụ án lớn mà sẽ lan tỏa xuống từng bản làng, ngõ xóm, đơn vị, cơ quan…
Hi vọng rằng cùng với “đốm lửa xây dựng một Chính phủ kiến tạo được Thủ tướng thắp lên nay đã bùng lên thành ngọn lửa" như lời của Thủ tướng và “lò” lửa chống tham nhũng cũng lan tỏa “trở thành một phong trào” như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nói.
Có lẽ cũng cần nhắc lại, hình ảnh của Đảng hiển hiện trong mỗi hành vi, cách ứng xử của mỗi đảng viên hằng ngày, hàng giờ với từng người dân trong mỗi cơ quan, mỗi làng, mỗi xóm...
Bùi Hoàng Tám