Tham lam, trâng tráo đến thế là cùng!

(Dân trí) - Không hiểu ông Ngô Bốn và con trai ông nghĩ gì với chiếc ghế mà ông đang ngồi? Đường đường là Phó Phòng TN-MT của huyện có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên rừng trên địa bàn quản lý, ấy thế mà lại có thể làm được những chuyện đi ngược lại luật pháp như vậy.

m_rung-phong-ho-1.jpg

 

 

Nhiều hạng mục công trình kiên cố gồm nhiều nhà gỗ, 2 sàn bê tông với diện tích trên 100m2 được xây dựng trên hồ sen, các con đường nội bộ bằng bê tông, sân vườn, tiểu cảnh, hồ cá... trong một khu nghỉ dưỡng xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Bao bọc bên ngoài là hàng rào thép lưới B40. Trước cổng có xây dựng chốt bảo vệ với tấm bảng ghi: “Gia tư riêng, vui lòng không tham quan”.

Sẽ chẳng có gì để nói nếu như công trình này không nằm trên phần đất rừng phòng hộ với diện tích 2,9 ha. Hơn nữa, ngay trên con đường dẫn vào khu nghỉ dưỡng này còn có hẳn một tấm biển rất lớn với lời nhắc nhở: “Không tác động vào rừng phòng hộ tự nhiên…”.

Một câu hỏi ngay lập tức được đặt ra: Khu nghỉ dưỡng này của ai? Ai có thể bá đạo, dám cả gan ngang nhiên xây công trình trái phép nguy nga, diễm lệ ấy? Ngạc nhiên thay, bàn tay biến đất rừng phòng hộ thành “gia tư riêng” lại chính là ông Ngô Phi Nhị, con trai ông Ngô Bốn (hiện là Phó Phòng TN-MT huyện Duy Xuyên).

Không hiểu ông Ngô Bốn và con trai ông nghĩ gì với chiếc ghế mà ông đang ngồi? Đường đường là Phó Phòng TN-MT của huyện có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên rừng trên địa bàn quản lý, ấy thế mà lại có thể làm được những chuyện đi ngược lại luật pháp như vậy.

Lãnh đạo xã Duy Sơn nói rằng, công trình này được khởi công từ tháng 10/2018, ban đầu chỉ xin phép cải tạo trồng rau, cây ăn quả để phát triển kinh tế… chứ địa phương không cho phép xây dựng quy mô như thế này.

Sau khi khu du lịch không phép mọc lên, xã Duy Sơn đã lập đoàn kiểm tra hiện trạng và phát hiện có tình trạng máy móc, thiết bị được đưa vào để cải tạo một số khu vực, đổ trụ bê tông dưới ao sen... UBND xã đã lập biên bản đình chỉ, yêu cầu ngưng ngay mọi hoạt động làm ảnh hưởng đến chức năng rừng phòng hộ, đồng thời báo cáo sự việc lên huyện Duy Xuyên.

Vị lãnh đạo xã nói “sai phạm là do chủ sử dụng đất”. Không sai! Nhưng nhìn vào mức độ hoàn thiện của những hạng mục công trình, thấy rằng, chẳng có nhẽ vai trò của lãnh đạo xã đã bị “vô hiệu hoá”, không có trọng lượng trong suốt gần nửa năm qua?

Đầu tháng 3 này, chính quyền địa phương đã lập biên bản đình chỉ công trình và buộc tháo dỡ. Đến ngày 10/3 này, nếu chủ đầu tư không tự tháo dỡ thì huyện Duy Xuyên sẽ tổ chức cưỡng chế.

Chỉ còn vài ngày nữa để xem kết quả giữa nói và làm của chính quyền huyện Duy Xuyên đến đâu. Song, mong các vị hãy nhớ lại, có biết bao nhiêu vụ sạt lở đất, bao nhiêu trận lũ quét… đã xảy ra ở nước ta trong những năm vừa qua. Chẳng lẽ phải đợi đến khi người dân trên địa bàn “nếm trải” thì các vị mới vỡ ra và “giá như” đã quản lý đất rừng phòng hộ tốt hơn.

“Rừng phòng hộ ở Việt Nam đang suy giảm mạnh cả về diện tích và chất lượng. Chỉ tính từ 2004-2014, diện tích rừng phòng hộ đã giảm 1,7 triệu ha, tương đương tốc độ suy giảm trung bình 23%/năm”. Đây là số liệu đáng báo động được đại diện Trung tâm Con người và Thiên nhiên hồi cuối năm 2017 công bố (TTXVN – 7/12/2017).

Rừng bị phá đi rồi, giả như có được trồng lại, song sẽ phải mất bao lâu mới khôi phục nguyên trạng?

Tôi ngắm nhìn những bức ảnh về khu nghỉ dưỡng kia, thấy đẹp thì đẹp đấy. Nhưng, cái đẹp ấy có ý nghĩa gì, ai có thể thanh thản, an yên mà hưởng thụ khi phải đánh đổi an toàn của bao người dân khác và đánh đổi tự trọng của chính mình trước sự nghiêm minh của pháp luật?

Thà là họ chẳng có kiến thức gì, đằng này…

 

Bích Diệp