Thảm họa y tế nhìn từ một phiên tòa khó tin

(Dân trí) - Tuần qua, người dân cả nước như phải nín thở theo dõi phiên tòa xét xử vụ 8 bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình tử vong. Có quá nhiều điều bất ngờ, khó tin tại phiên tòa này.

Thảm họa y tế nhìn từ một phiên tòa khó tin - 1

Sự cố trên rõ ràng là một trong những thảm họa nghiêm trọng nhất của ngành y tế từ trước đến nay.

Nhưng cho đến khi phiên tòa lần đầu được đưa ra xét xử, những thông tin được lộ ra từ lời khai của các bị can, các nhân chứng, từ cách điều hành của phiên tòa, chắc rằng bất kể những ai theo dõi cũng lấy làm bàng hoàng.

Ngoài những câu chuyện đã bước đầu được làm rõ, mà Dân trí cũng đã đưa tin như: Có sự gian dối trong biên bản bàn giao sửa chữa máy móc chạy thận; không một điều dưỡng viên nào chịu nhận trách nhiệm phụ trách... Đáng nói nhất, theo bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh, người được cho là chuyên gia hàng đầu về chạy thận nhân tạo (làm việc tại Bệnh viện Thủ Đức-TPHCM) được luật sư của bị cáo Hoàng Công Lương mời đã bị tòa án từ chối triệu tập.

Tuy nhiên, những ý kiến đánh giá về quá trình sử dụng máy móc thiết bị chạy thận có nhiều sai sót nghiêm trọng tại bệnh viên trên của chuyên gia y tế này đã nhận được sự đánh giá cao của nhiều chuyên gia y tế khác mà báo chí đã đưa tin.

Đáng chú ý nhất, theo bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh, trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO (lọc nước) cho thiết bị chạy thận tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, như lời khai của một bị cáo, có sử dụng 3 loại hóa chất để khử khuẩn đường ống và màng lọc RO. Thì một nguyên tắc phải thực hiện nghiêm ngặt là trước khi thiết bị được trở lại hoạt động, test (kiểm tra) hóa chất tồn dư phải được đảm bảo bằng không.

Nhưng điều kinh khủng là, tại phiên tòa, theo quan sát của chuyên gia chạy thận này, không ai đả động gì đến "test" hóa chất tồn dư cả và theo ông, đây mới chính là nguyên nhân gây chết người.

Có thể nói, đây là một phiên tòa rất đặc biệt không chỉ bởi hậu quả rất nghiêm trọng của nó mà tính chất vụ án rất phức tạp, liên quan đến một vấn đề chuyên môn sâu của ngành y tế. Các thành viên của Hội đồng xét xử, thẩm phán, luật sư... đều không phải là các chuyên gia y tế. Do đó, việc mời các chuyên gia ngành y tham dự, cho ý kiến đánh giá khách quan về những vấn đề kỹ thuật được nêu ra trong quá trình xét xử thiết nghĩ là rất cần thiết.

Đáng tiếc là Hội đồng xét xử lại bỏ qua cơ hội để lắng nghe những ý kiến như vậy.

Đáng lo ngại hơn, trả lời báo chí, bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh cũng cho rằng, không chỉ có vụ việc chạy thận ở Bệnh viện đa khoa Hòa Bình mà hiện nay ở hầu hết các bệnh viện chuyên gia này đã từng đến, hệ thống RO đều không đăng ký chất lượng sản phẩm.

Và còn hơn thế nữa, ông Thịnh cho biết, một vấn đề khác cũng đang đe doạ nhân viên y tế hàng ngày, có thể khiến bất kỳ một người bác sĩ nào như ông cũng có khả năng phải đi tù.

Đó là tình trạng toàn bộ oxy cung cấp cho các bệnh viện vào thời điểm hiện tại, người ta chỉ có thể kiểm tra là bình đó đầy hay không đầy và các bác sĩ buộc phải tin bình đó là oxy bởi không có gì chứng minh là khí nén ở trong đó là oxy hay CO2 cả (CO2 cũng được sử dụng trong y tế).

Nếu như trong trường hợp, công ty sản xuất khí y tế nhầm lẫn, sang chiết nhầm, thì các bác sĩ không có gì để kiểm tra. Và nếu cho bệnh nhân thở một loại khí không phải oxy, thì bệnh nhân sẽ chết gần như ngay tức khắc. Bác sĩ nào ký lệnh cho bệnh nhân thở oxy trong tình huống như vậy, giống như bác sĩ Hoàng Công Lương ký lệnh cho bệnh nhân chạy thận đều sẽ phải ra tòa và có thể nhận án phạt tù.

Như vậy, từ phiên tòa đang xét xử tại tỉnh Hòa Bình, có thể nói, đang có những lỗ hổng rất lớn trong quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế mà một hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Hàng triệu người dân đang chờ đợi, từ thảm họa này, các cán bộ quản lý ngành y tế sẽ kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hệ thống trang, thiết bị y tế, từ hệ thống chạy thận nhân tạo, đến các thiết bị thở ô xy... để hạn chế thấp nhất những nguy cơ dẫn đến cái chết oan uổng cho các bệnh nhân, để không có những phiên tòa đau đớn như phiên tòa đang diễn ra tại tỉnh Hòa Bình.

Mạnh Quân