Thảm họa... karaoke!

Hoàng Lam

(Dân trí) - Sau hơn 50 năm kể từ khi chiếc máy karaoke đầu tiên ra đời, tôi nghĩ rằng nếu Daisuke Inoue sống ở Việt Nam, không chắc ông đã tự hào về công trình phát minh của mình!.

"Trời ơi, ai cứu bà cụ hàng xóm nhà em với. Con trai cụ ngày nào cũng "gánh mẹ", gánh gánh suốt 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông vẫn chưa chịu đặt bà xuống mà em thì chịu hết nổi rồi". Đọc dòng trạng thái trên Facebook của chị bạn mà tôi suýt phì cười. Nguyên do, suốt mấy ngày chị ở nhà điều trị Covid-19 bị hàng xóm tra tấn bởi những "chầu" karaoke bất kể ngày đêm. Mà khổ nỗi, ông hàng xóm chỉ thích mỗi bài "Gánh mẹ" nhưng lại thể hiện nó bằng chất giọng có khả năng "giải tán đám đông".

Thảm họa... karaoke! - 1

(Hình minh họa: Ngọc Diệp)

Thực ra, không chỉ mỗi chị bạn tôi phải gánh chịu "vấn nạn âm thanh" này, mà chính bản thân tôi cũng đã từng kinh qua. Ngõ nhà tôi chỉ có 6 nóc nhà, toàn gia đình trẻ, sàn sàn tuổi nhau. Thi thoảng cuối tuần được nghỉ, các đức ông chồng cũng tụ tập bù khú, rồi kéo loa ra cổng "giải rượu".

Khỏi phải nói, chất giọng của các ca sĩ hạng vườn, hát theo kiểu "lời đi trước, nhạc lả lướt theo sau", mà nhiều khi nhạc một đường, giọng một nẻo nó ám ảnh cánh chị em chúng tôi thế nào. Hôm nào buổi biểu diễn văn nghệ không may trùng vào buổi học trực tuyến của con hay giờ các cháu làm bài tập mà công cuộc "ổn định trật tự" không có kết quả thì vợ chồng mặt nặng, mày nhẹ với nhau, tệ hơn là suýt xảy ra "chiến sự", biến dịp nghỉ cuối tuần trở nên nặng nề.

Mới đây, một cụ bà 83 tuổi trú tại huyện An Lão (TP Hải Phòng) bị xông vào nhà đánh thương tích đến mức phải nhập viện trong đêm. Nguyên do là bà góp ý với những người trong xưởng sơn sát nhà về việc hát karaoke quá to, trong khi bản thân bà và chồng thì già cả, lại đang mắc Covid-19, cần được yên tĩnh để nghỉ ngơi.

Vụ việc xảy ra với bà cụ không phải là cá biệt. Gõ từ khóa "hàng xóm hát karaoke" trên Google, cho ra hơn 1,2 triệu kết quả, trong đó có nhiều vụ án hình sự với các hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích hay nghiêm trọng hơn là án mạng liên quan đến hoạt động giải trí tưởng như vô hại này.

Hát karaoke giải trí là nhu cầu chính đáng nhưng nếu như nó chỉ dừng lại ở việc giải trí lành mạnh mang tính cá nhân hoặc trong phạm vi gia đình thì tôi nghĩ không có gì phải phàn nàn. Tuy nhiên, mọi việc không dừng ở đó. Những chiếc loa được mở âm lượng hết cỡ hướng ra bên ngoài, những giọng hát gây ám ảnh và tra tấn người nghe, những cuộc hát xuyên trưa, xuyên tối thì đó thực sự là một vấn nạn cần phải dẹp bỏ, bởi không chỉ gây ảnh hưởng đến những người xung quanh, sứt mẻ tình làng nghĩa xóm, tệ hơn là còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh trật tự và gia tăng các vụ phạm pháp hình sự.  

Từ ngày 1/1/2022, Nghị định 144/2021 về xử phạt vi phạm hành chính thay thế Nghị định 167/2013 bắt đầu có hiệu lực thi hành. Theo đó, trường hợp gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến một triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với mức 100.000-300.000 nghìn đồng được quy định trước đó.

Ngoài ra, theo Điều 17 Nghị định 155/2016 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 55/2021), đối với trường hợp hát karaoke gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn, tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 triệu đến 160 triệu đồng, không kể diễn ra vào khung giờ nào. Nhiều địa phương cũng đưa nội dung này vào bộ quy tắc ứng xử hay thiết chế văn hóa tại khu dân cư, xem xét trong bình bầu gia đình văn hóa vào cuối năm.

Quy định thì đã có nhưng việc áp dụng không hề đơn giản. Việc phản ánh, tố cáo lên các cơ quan chức năng là vạn bất đắc dĩ bởi dù sao cũng là hàng xóm láng giềng, còn phải nhìn mặt nhau mà sống. Chưa kể, không phải lúc nào chính quyền các địa phương hay cơ quan chức năng cũng đủ lực lượng để kịp thời kiểm tra hay được trang bị thiết bị đo tiếng ồn để có căn cứ xử lý.

Karaoke được cắt nghĩa là hát mà không cần ban nhạc, do Daisuke Inoue - một tay trống Nhật Bản phát minh vào năm 1969. 

Nhưng nếu Daisuke sống ở Việt Nam, ngày ngày nghe hàng xóm tra tấn bằng âm thanh từ chiếc máy hát này, tôi không chắc ông sẽ vẫn tự hào về công trình phát minh của mình!.