Té ra, kiểm lâm bảo vệ rừng mà để mất rừng… là không sao cả!
(Dân trí) - Đấy là tinh thần cuộc bỏ phiếu xử lý trách nhiệm cán bộ kiểm lâm để xảy ra phá rừng tại xã Tây Thuận. Theo đó, 100% phiếu kiến nghị... không xử lý kỷ luật đối với cán bộ kiểm lâm địa bàn này.
Theo phản ánh của báo Dân trí, đầu tháng 8/2020, tại khu vực rừng Đồng Hào (thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn) phát hiện hàng ngàn mét vuông rừng tự nhiên bị chặt phá.
Theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, thời điểm đó có rất nhiều cây lớn đường kính đến 50-70 cm bị đốn hạ không thương tiếc. Xung quanh là một diện tích rừng khá lớn bị các đối tượng "cạo trọc", đốt dọn sạch sẽ chờ trồng keo, bạch đàn. Điều đáng nói, vụ việc phá rừng diễn ra nhiều tháng nhưng chính quyền địa phương "không hay biết".
Nhận được thông tin này, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, Chi cục Kiểm lâm Bình Định cùng với Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn đã tổ chức họp kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Hùynh Văn Bang là lao động hợp đồng của Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn.
Tại cuộc họp, tập thể Hạt Kiểm lâm Tây Sơn đã bỏ phiếu kín kiến nghị hình thức kỷ luật đối với ông Bang. Song, kết quả bỏ phiếu quá bất bình thường khi có 20/20 phiếu kiến nghị không xử lý kỷ luật đối với ông Bang.
Đọc những thông tin trên, không khỏi kinh ngạc bởi mấy lẽ. Thứ nhất, đối tượng bị xử lý kỉ luật chỉ là một nhân viên hợp đồng, tức là về vị thế, còn kém cả "cậu đánh máy". Trong khi đáng lý, người phải chịu trách nhiệm chính là cán bộ của Hạt kiểm lâm và trách nhiệm cao nhất phải là lãnh đạo của địa phương này chứ không phải ông Bang, một lao động hợp đồng không chức tước.
Thế nhưng càng nực cười hơn, đến cả "cậu đánh máy" Hùynh Văn Bang cũng không kỉ luật được vì 100% không đồng ý kỉ luật thì chuyện rừng bị tàn phá, gây lũ lụt như thời gian vừa qua là điều dễ hiểu.
Sinh ra cơ quan kiểm lâm là để bảo vệ rừng mà hàng ngàn mét vuông rừng bị tàn phá chẳng ai làm sao thì sinh ra kiểm lâm để làm gì nhỉ? Hay là tặng… "bằng khen" cho họ để họ… phá hoặc "tiếp tay", "bảo kê" cho việc phá rừng?
Xin thưa là sẽ không có chuyện để mất hàng ngàn mét rừng mà kỉ luật một nhân viên lao động hợp đồng cũng không nổi. Phóng viên Dân trí chúng tôi sẽ tiếp tục đặt câu với Sở NN&PTNT Bình Định, thậm chí lãnh đạo UBND Bình Định về hình thức kỉ luật về việc để mất rừng, trách nhiệm người đứng đầu và cả hình thức kỉ luật đối với 20 thành viên trong phiên bỏ phiếu bởi ở họ, ít nhất là hành vi bao che, đồng lõa.
Ăn lương của dân, nhận trách nhiệm với dân, với nước để bảo vệ rừng mà khi mất rừng lại chẳng ai làm sao cả là điều thậm vô lý. Lãnh đạo sở NN&PTNT và lãnh đạo UBND Bình Định cần phải có thái độ kiên quyết đối với vụ việc này, phải không các bạn?