Tăng trưởng âm, chẳng có gì phải "sốc" hay "giật mình"!
(Dân trí) - Quốc gia nào cũng muốn vừa giữ được an toàn tính mạng và sức khỏe của người dân, vừa duy trì sự phát triển kinh tế. Chúng ta đã cố hết sức, năm 2020 và nửa đầu 2021 đã đạt được cả 2 mục tiêu....
Con số tăng trưởng kinh tế quý III được công bố cách đây vài ngày, khi Hà Nội đã nới lỏng giãn cách được hơn một tuần và TPHCM chuẩn bị bước vào những ngày nới lỏng sau nhiều tháng giãn cách theo tinh thần Chỉ thị 16 của Chính phủ. Cụ thể, quý III, kinh tế Việt Nam tăng trưởng âm 6,17%.
"Con số lịch sử", "con số kỷ lục", "lần đầu tiên có tăng trưởng âm kể từ khi Việt Nam thực hiện thống kê GDP theo quý", "tăng trưởng âm rồi năm nay cả năm có dương được không"… là những luồng ý kiến xuất hiện sau khi số liệu tăng trưởng GDP quý III được công bố. Trong bối cảnh nhiều tỉnh thành phải giãn cách vì Covid-19, hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng, lưu thông, chuỗi cung ứng bị tác động thời gian qua thì con số âm 6,17% chẳng có gì là bất thường. Chưa kể, con số âm 6,17% trong quý III của Việt Nam so với mức tăng trưởng âm sâu của nhiều nền kinh tế khác trên thế giới, trong đó có những nền kinh tế phát triển, trong đại dịch Covid-19 từng được công bố, thì chưa là gì!
Dưới đây là số liệu tăng trưởng kinh tế của các nước trên thế giới năm 2020, trong bối cảnh Covid-19 tàn phá căng thẳng nhất. Tôi nhấn mạnh đó là con số cả năm 2020 chứ không riêng gì một quý. Cả năm đối diện và "chiến đấu" với Covid-19, nhiều nền kinh tế không chỉ âm, mà còn âm khá sâu.
Ở châu Âu, Đức tăng trưởng âm 4,9%, Bỉ âm 6,3%, Áo âm 6,6%. Tăng trưởng âm sâu nhất phải kể đến, Pháp âm 8,1%, Italy âm 8,9%, Anh cũng âm 9,8% và điển hình là Tây Ban Nha với mức tăng trưởng âm vượt 2 chữ số, lên tới 10,8%.
Ở châu Mỹ, Hoa kỳ, nền kinh tế lớn nhất toàn cầu cũng có mức tăng trưởng âm 3,5% trong năm 2020. Canada âm 5,4%, Mexico với con số âm 8,1%. Một quốc gia khác ở Bắc Mỹ là Panama cũng tăng trưởng âm đến 17,9%.
Còn tại châu Á, tình trạng tăng trưởng âm cũng không phải là điều gì quá lạ lẫm. Tăng trưởng của Singapore trong năm 2020 âm 5,4%, Malaysia cũng âm 5,6%, Thái Lan âm 6,1%. Một số nơi có mức tăng trưởng âm còn khủng khiếp hơn như Philippine âm 9,6%, Myanmar đã âm đến 10%, Macao với con số kỷ lục 56,3%.
Nếu xét theo quý, không ít nền kinh tế lớn cũng "vật vã" trong Covid-19 với mức tăng trưởng âm đến 2 chữ số. Quý I/2020, Trung Quốc cũng tăng trưởng âm 6,8% - khi dịch Covid-19 căng thẳng ở Vũ Hán. Dĩ nhiên, đến năm nay, 2 quý đầu năm, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã phục hồi, có quý tăng trưởng vượt 18%, nhưng đó là câu chuyện sau giai đoạn căng thẳng nhất của Covid-19. Còn hiện tại, đến quý III, kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.
Còn tại Mỹ, trong năm 2020, nếu xét theo quý thì quý II/2020 thì nền kinh tế này tăng trưởng âm 31,4%. Mức tăng trưởng âm tận 2 chữ số này xảy ra với Mỹ đúng thời điểm nước này áp dụng các biện pháp phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt nhất.
Xếp theo khu vực thì tăng trưởng trung bình cả thế giới năm 2020 âm 3,6%, các nước khu vực châu Âu âm 6,7%, các nước Nam Á âm 6,6%… Còn khu vực châu Á, các nước sát chúng ta cũng tăng trưởng âm cả, như số liệu bên trên. Nói cụ thể hơn thì 100% các nước thuộc châu Âu và Bắc Mỹ đều tăng trưởng âm, không nước nào, kể cả quốc gia tiên tiến, giữ được kinh tế tăng trưởng dương cả.
Biến chủng Delta thực sự đẩy toàn cầu rơi vào lao đao, không riêng gì nền kinh tế nào. Chưa kể, ngoài Covid-19 thì chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đứt gãy, sản xuất, lưu thông và phân phối hàng hóa bị gián đoạn cũng là tác nhân khiến cho kinh tế khó mà tăng trưởng.
Ngoài thông tin GDP tăng trưởng âm, câu chuyện về dòng vốn FDI có "chạy" khỏi Việt Nam hay không cũng được đặt ra trong những ngày vừa qua. Theo tôi thấy, FDI chẳng "chạy" đi đâu cả. Khả năng lớn là các dự án FDI đang chuẩn bị đầu tư có thể bị tạm dừng lại để chờ diễn biến dịch Covid-19 trong thời gian tiếp theo. FDI là đầu tư lâu dài, phải mất nhiều năm chuẩn bị thủ tục và cả 1-2 năm để triển khai nên không thể có chuyện mới khó khăn vài tháng vì dịch bệnh mà nhà đầu tư đã quyết định chuyển dòng vốn đi nơi khác.
Khi chúng ta đã tiêm phủ vắc xin tại các điểm quan trọng, nới lỏng dần giãn cách, từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, thì các nhà đầu tư sẽ an tâm, hiển nhiên họ sẽ muốn tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam. Kinh tế lại có những điểm sáng!
Với số liệu tăng trưởng âm 6,17% quý III vừa qua của kinh tế Việt Nam, đang có một số ý kiến trái chiều. Âm 6,17% đúng là con số lịch sử, nhưng không phải con số quá bất ngờ hay bất thường. Thực tế, một số chỉ nhìn thấy con số âm 6,17% trong quý III nhưng lại không nhiều người nhìn thấy một điều là bất chấp một năm "chiến đấu" với Covid-19 biến chủng Delta, tính đến hết quý III, GDP Việt Nam vẫn đạt 1,42%. Tôi nhấn mạnh là dương 1,42%. Dĩ nhiên, mục tiêu GDP năm nay là thách thức. Song khi biến chủng Delta hoành hành và khiến cho nhiều nền kinh tế lao đao, trong đó có cả những nền kinh tế lớn, thì việc giữ được tăng trưởng đã là một điều cần ghi nhận.
Ai, quốc gia nào cũng muốn vừa giữ được an toàn tính mạng và sức khỏe của người dân, vừa duy trì sự phát triển kinh tế. Chúng ta đã cố hết sức, năm 2020 và nửa đầu 2021 thì đã đạt được cả 2 mục tiêu. Thế nhưng trước biến chủng Delta quái ác, chúng ta đành đưa mục tiêu an toàn tính mạng và sức khỏe của người dân lên trên, tức là chúng ta đã chấp nhận kinh tế tăng trưởng âm trong quý III vừa rồi. Vì vậy, không gì là "sốc" hay "giật mình" cả!
Đỗ Cao Bảo
Doanh nhân Đỗ Cao Bảo hiện là Ủy viên HĐQT Tập đoàn FPT. Ông là một trong 13 thành viên sáng lập Tập đoàn FPT. Ông phụ trách mảng kinh doanh tích hợp hệ thống, dẫn dắt các doanh nghiệp thuộc FPT triển khai hầu hết hạ tầng thông tin quan trọng của quốc gia, vươn xa trên thị trường toàn cầu.