Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê: Tăng trưởng kinh tế cả năm khó âm

(Dân trí) - GDP 9 tháng đầu năm ước tính tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19, trong đó quý III tăng trưởng âm. Vậy có lo ngại GDP cả năm nay sẽ âm?

Trao đổi với Dân trí, Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng khả năng tăng trưởng âm cả năm nay là khó xảy ra. Kịch bản này chỉ có thể xảy ra khi có những tác động mang tính bất ngờ, đột biến, không thể lường trước được của dịch bệnh. Song đến lúc này, chúng ta đã kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh. 

GDP quý III tăng trưởng âm, tăng trưởng chung trong 9 tháng rất thấp. Liệu có lo ngại nào về khả năng tăng trưởng âm cho cả năm nay không thưa bà?

- Đến nay, chúng ta đã đi được 3/4 quãng đường. GDP 9 tháng đầu năm ước tính tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài.

Riêng GDP quý III ước tính âm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Thực tế với tăng trưởng chúng ta đạt được trong chặng đường 9 tháng đầu năm nay là thấp. Tuy nhiên với những quan sát mang tính dài hạn, qua những gì chúng tôi thấy thì tăng trưởng âm cả năm nay là khó xảy ra.

Kịch bản này chỉ có thể xảy ra khi có những tác động mang tính bất ngờ, đột biến, không thể lường trước được của dịch bệnh. Song đến lúc này, chúng ta đã kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh và thời gian tới tôi vẫn tin chúng ta kiểm soát được tốt.

Tôi kỳ vọng quý IV có tăng trưởng cao, thậm chí cao hơn quý I và tương đương quý II. Tôi kỳ vọng không chỉ bằng niềm tin đâu, mà tất cả những gì chúng tôi thấy đó là sự phản ứng kịp thời hơn từ bộ máy, chúng ta có rút kinh nghiệm, nhân lên sự hiệu quả, doanh nghiệp có sự bật dậy phục hồi. Hy vọng tình hình kinh tế sẽ khởi sắc cuối năm.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê: Tăng trưởng kinh tế cả năm khó âm - 1

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Ảnh: N.M).

Nếu nhìn bức tranh tổng thể quý III và 9 tháng đầu năm nay thì đâu là điểm sáng, là yếu tố bệ đỡ?

- Mặc dù quý III âm sâu 6,17%, 9 tháng tăng trưởng có 1,42% nhưng nhìn trong tổng thể bức tranh chung chúng ta vẫn nhìn thấy điểm sáng.

Trong khó khăn, khu vực nông lâm thủy sản vẫn giữ được vai trò trụ đỡ. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52% vào mức tăng trưởng chung.

Điều này được coi như là nền tảng, đảm bảo được an sinh, an dân trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng.

Nhờ đó, nguồn lương thực thực phẩm cho người dân, đặc biệt ở vùng dịch vẫn được đảm bảo. Trụ đỡ của nền kinh tế đã được khẳng định.

Điểm sáng tiếp theo đó là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn tăng cao. Tính chung 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 18,8%; nhập khẩu tăng 30,5%. Những con số này cho thấy chúng ta vẫn đảm bảo được sự kết nối với thế giới, khu vực.

Tiếp theo là niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài thể hiện qua vốn đăng ký mới và vốn điều chỉnh tăng thêm của các dự án.

Cụ thể, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/9/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra cũng phải nhắc tới những con số không thể lượng hóa được đó là những tấm lòng, của cải vật chất không quy đổi bằng tiền, không tính qua tổng mức bán lẻ khi cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Nhiều người trực tiếp mang đến tận vùng dịch. Những tấm lòng này phần nào giữ được ổn định đời sống nhân dân trong lúc khó khăn nhất.

Làm thống kê, vậy có điều gì khiến bà lo lắng, băn khoăn nhất?

- Tác động của dịch bệnh, cùng với đó là việc kiểm soát dịch bệnh với những nỗi lo về đứt gãy chuỗi sản xuất. Sự chia rẽ cá nhân, gia đình, tổ chức, địa phương, quốc gia vì dịch bệnh, đó là điểm tàn ác nhất của Covid-19.

Năm trước, quý I của Trung Quốc tăng trưởng âm, ngoài ra nhiều quốc gia có tăng trưởng âm sâu.

Làm sao để có thể chống được dịch bệnh thì đòi hỏi sự đồng lòng, đoàn kết của tất cả mọi người, của toàn bộ hệ thống chính trị. Việc đoàn kết để đảm bảo kết nối, giảm nguy cơ đứt gãy trên cơ sở sống chung với dịch, đây là nền tảng cơ bản .

Tôi cũng kỳ vọng dịch được kiểm soát tốt và chúng ta kịp thời ứng phó.

Vậy còn nỗi lo về áp lực lạm phát thì sao thưa bà?

- Lạm phát thời gian vừa qua kiểm soát được một phần do cầu yếu. Có sự khó khăn giữa kết nối cung và cầu. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phục hồi thì nhu cầu tiêu dùng xăng dầu, chi phí cho kết nối hàng hóa tăng lên. Ngoài ra nhu cầu du lịch vui chơi giải trí sẽ tăng lên. Các nhu cầu đi kèm theo để đáp ứng trong thời gian tới cũng có áp lực tăng lên.

Tất cả những điều này có thể tác động rất mạnh tới CPI. Đặc biệt là nhu cầu nguyên liệu sản xuất, sản phẩm thiết yếu, du lịch và các dịch vụ có liên quan khác. Áp lực năm nay về lạm phát không lớn, nhưng những năm tới cần tính tới để đảm bảo sự ổn định.

Bà có khuyến nghị gì về chính sách cho thời gian tới?

- Chúng ta phải xác định sống chung an toàn với dịch. Từ đó có khung hướng dẫn y tế kịp thời, để kiểm soát dịch nhanh nhất sớm nhất, giảm tác động lan tỏa.

Đây là yếu tố tiên quyết, tạo nền tảng vững chắc, sự tự tin trong xây dựng cũng như khôi phục sản xuất đời sống. Không thể để đứt gãy chuỗi sản xuất, kết nối, chế biến, tiêu dùng… giữa các địa phương và khu vực, thế giới.