Sự trung thực của “quyền lực”
(Dân trí) - Gần 1 triệu người kê khai tài sản, thu nhập nhưng chỉ có 4 người kê khai không trung thực. Để bảo chứng cho kết quả này, ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục chống tham nhũng Thanh tra Chính phủ khẳng định, không có cơ sở để nghi ngờ chỉ có 4 cán bộ không trung thực trong tổng số gần 1 triệu người kê khai tài sản, thu nhập.
Theo ông Phạm Trọng Đạt, các bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo kê khai tài sản về Cục chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ, cơ quan này có nhiệm vụ làm đầu mối tổng hợp. Hoạt động kê khai được phân cấp cụ thể, Cục chống tham nhũng cũng không thể kiểm tra lại hết cả triệu hồ sơ kê khai, trừ khi có khiếu nại. Ông Phạm Trọng Đạt nói: “Không có cơ sở nào để nghi ngờ, thẩm định lại tất cả báo cáo của người ta được. Chỉ khi nào có khiếu nại về việc kê khai tài sản của cán bộ nào đó thì chúng tôi mới có cơ sở yêu cầu báo cáo, kiểm tra lại”
“Không có cơ sở để nghi ngờ”, có nghĩa kết quả này là chính xác.
Nhưng sẽ có cơ sở khác để kiểm tra. Ví dụ thôi, làm một cuộc khảo sát, hỏi người dân có tin vào kết quả kê khai 1 triệu cán bộ và chỉ có 4 người kê khai không trung thực, chúng ta sẽ có câu trả lời bao nhiêu phần trăm người được hỏi tin và bao nhiêu phần trăm không tin.
Chỉ khi nào đối diện với kết quả được xác minh từ nhân dân thì mới có câu trả lời trung thực.
Chỉ 4 người kê khai tài sản không trung thực liệu có mâu thuẫn với hiện thực xã hội là tham nhũng tràn lan, đến mức các vị lãnh đạo cảnh báo “tham nhũng đe dọa sự tồn vong của chế độ”?
Chỉ 4 người kê khai tài sản không trung thực liệu có mâu thuẫn với các vụ án kinh tế thất thoát và thua lỗ hàng chục ngàn tỉ đồng? Chưa kể hàng trăm vụ lớn nhỏ khác, trong đó số tiền thất thoát đủ để mua đứt sự trung thực còn sót lại trong “một bộ phận không nhỏ” mà chúng ta thường nói đến.
Đúng là khó lòng cho Cục chống tham nhũng nếu như đòi hỏi kiểm tra hết các hồ sơ kê khai từ các bộ, ngành, địa phương gửi về. Sự trung thực phải xuất phát từ từng cá nhân, tổ chức ở cơ sở, nhưng rõ ràng, không ai “dại dột” thể hiện sự trung thực bằng cách tự khai ra tài sản tham nhũng của mình. Đã là “nhóm lợi ích”, đã là “một bô phận không nhỏ” thì đương nhiên họ đủ sức để bảo vệ nhau, đủ quyền lực để có một bản kê khai “trung thực”.
Đòi hỏi người có “quyền lực” nhưng thiếu trung thực nói trung thực về sự thanh liêm của họ thì quả thực ngây thơ.
Vì thế, hoạt động kê khai tài sản, thu nhập nếu làm như cách cũ thì có thể sẽ trở thành hình thức. Rồi sẽ có những đợt kê khai tài sản mới và rồi sẽ cho ra những báo cáo đẹp đẽ như đã từng…
Lê Chân Nhân
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!