Sự biến báo của ngôn từ!
(Dân trí) - Những ngày qua, dư luận xôn xao xung quanh việc Thành phố Đà Nẵng đặt tên đường cho ông Alexandre de Rhodes, người từng được coi là cha đẻ của chữ Quốc ngữ.
Thật ra việc này không mới bởi tại TP HCM, đã có con đường mang tên Alexandre de Rhodes từ lâu lẩu lầu lâu rồi.
Thế nhưng, khi Đà Nẵng có ý tưởng này thì cả chục vị “tông đồ” vốn “xủng xoảng mũ mão, cân đai” với học hàm học vị ngút ngát trời xanh ầm ầm phản đối. Ngay lập tức, dư luận chia thành hai phe, phản đối và ủng hộ.
Chuyện này, tôi không dám lạm bàn vì “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn – Kiều”, chữ nghĩa chưa đầy vốc tay xoay quanh 24 chữ cái ABCD… học hàm cử nhân tại chức nên “tọa sơn quan hổ đấu”. Vì vậy, bèn nghĩ lung văn tung rằng nếu ông Alexandre de Rhodes có sống lại thì giờ đây đọc văn bản xứ ta cũng sẽ ù ù cạc cạc như đọc sách nước ngoài.
Lý do, có lẽ chưa bao giờ tiếng Việt nhiều biến động như bây giờ dẫu biết rằng ngôn từ là sinh ngữ. Tức là nó có sinh, có tử, có mới, có cũ tùy theo sự sáng tạo của cộng đồng sử dụng ngôn ngữ đó ở vào từng thời điểm cụ thể.
Thế nhưng, sự biến báo của tiếng Việt như bây giờ thì thật là… khủng văn khiếp.
Ví như từ “tham ô” chẳng hạn, thực chất nó là ăn cắp của công. Thế nhưng giờ đây, ngoài từ “tham ô”, nó “biến báo” nào là “tham nhũng”, “tiêu cực” rồi… “thất thoát”, thậm chí “cầm nhầm” do trình độ non kém, thiếu hiểu biết.
Có những câu đọc lên chẳng hiểu nó là như thế nào, ví như “kiểm điểm sâu sắc” chẳng hạn. Chả lẽ lại có ba mức kiểm điểm là kiểm điểm, kiểm điểm sâu sắc và kiểm điểm không sâu sắc (như kiểu tín nhiệm, tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp)?
Hay câu “nâng đỡ không trong sáng” thì có thể hiểu là nâng đỡ trong bóng tối, nâng đỡ trong nửa tối - nửa sáng và thậm chí, có thể hiểu là nâng đỡ không trong… buổi sáng mà vào buổi chiều hay buổi tối...
Gần đây, trọng vụ gian lận thi cử cũng xuất hiện mấy khái niệm ngôn ngữ mới như “tiền cảm ơn”, “tiền bồi dưỡng” và “tiền do vụ lợi”… mà tuyệt nhiên không có đồng tiền nào mang tên “hối lộ” và “nhận hối lộ” cả.
Song, vui nhất là "em chồng của vợ Bí thư" mà không là em trai Bí thư thì tài cho sự biến hóa của ngôn từ!
Ngày nghỉ, chả nên viết dài, xin gửi tặng các bạn bài thơ lăng nhăng cho vui vẻ nhé:
*
THƠ TÌNH VIẾT TRÊN ĐƯỜNG HÀ NỘI
*
Lang thang trên đường Hà Nội
Nhớ em, anh kể chuyện này
Lan man, em đừng cười nhé
Bắt đầu từ sáng hôm nay…
*
Trên “con đường cong mềm mại”
Gặp cơn mưa “đúng qui trình”
Bỗng thấy mặt cầu “kênh kiệu”
Trơn như đổ “vàng tâm” xanh
*
Chợt nhớ về những bát canh
“Sâu nhiều” mà “rau thì ít”
Họ ăn cho kỳ bằng hết
“Không từ thứ gì của dân”
*
Anh thấy “nhiệm kỳ hoàng hôn”
Rời ga trong “chuyến tàu vét”
Trách nhiệm xin nhường lại hết
Cho người kế tiếp nay mai….
*
Con tàu đi tới tương lai
Trên con “đường cong mềm mại”
Yêu nhau, anh chào ở lại
Anh về trong ánh ban mai…
*
Ơ! Suýt quên. Mấy ông phản đối đặt đường … viết bằng chữ gì nhỉ? Nếu viết bằng chữ quốc ngữ thì… ngại chết đi được, nhỉ!
Bùi Hoàng Tám