Sự “ái ngại” của ông Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển

(Dân trí) - Chả là bàn về chuyện khoán xe công, bác Hiển đã “ái ngại” nói rằng: “Khi tham dự một cuộc họp, cùng là một chức Thứ trưởng, nhưng đồng chí này đi xe ô tô, đồng chí kia lại đi taxi, xe ôm đến thì trông không được đẹp! Nhưng nếu như thực hiện đồng loạt thì có khi ai cũng đều vui vẻ làm theo”.

 

Sự “ái ngại” của ông Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển - 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Đây là nói về bác Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội.

Thật tình, người dân đều có chung mong muốn lãnh đạo của mình được trang bị đầy đủ phương tiện hiện đại vừa để phục vụ cho công việc tốt hơn, vừa giữ thể diện cho đất nước.

Có lẽ chẳng người dân nào lại muốn lãnh đạo của mình không đàng hoàng, càng chả ai muốn lãnh đạo “xúi xó” vì như lời ĐB Dương Trung Quốc: “Cán bộ mà nghèo thì dân giàu sao được?”.

Cho nên bàn về chuyện khoán xe công, có vị đại biểu đã so sánh ở nước ngoài, bộ trưởng còn có cả máy bay riêng. Song, lại có vị đại biểu ngược lại, nói rằng nhiều nước giàu có như Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch… các quan chức chính phủ vẫn thường đi xe đạp đi làm.

Thôi, chuyện nước ngoài là chuyện nước ngoài, so sánh thì vô cùng. Bàn trong điều kiện ở ta vậy.

Nước ta, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, tiết kiệm luôn luôn phải là quốc sách hàng đầu. Thế nên, việc chi phí cho xe công lên đến con số 13.000 tỉ đồng/năm là rất vô lý và khó chấp nhận. Nhất là trong tình hình kinh tế năm nay.

Vả lại, chính quyền của ta là chính quyền nhân dân. Việc tiết kiệm không chỉ thể hiện tinh thần gần dân, chia sẻ cùng dân còn là tấm gương của cán bộ, công chức đối với dân.

Vì thế, chủ trương khoán xe công có lẽ cũng không nên bàn thêm bởi việc này đã được đưa ra bàn từ năm 2007.

Vấn đề là tại sao một chủ trương đúng như thế mà đã 8 năm nay vẫn chưa đi vào cuộc sống? (Không, nói chính xác là có một người duy nhất thực hiện là Phó chủ nhiệm UB Luật pháp Quốc hội Trần Quốc Thuận nhưng ông Thuận cũng đã nghỉ hưu từ nhiều năm nay rồi).

Giờ đây, qua trả lời của Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển, một phần nguyên do đã được giải đáp. Đó là do chưa có một qui định chặt chẽ để tất cả mọi người cùng đối tượng đều phải thực hiện.

Đúng là rất “không được đẹp”, không, phải nói là rất không công bằng nếu như vị thứ trưởng này đi họp bằng xe ô tô bóng loáng, điều hòa chạy vo vo, đài loa véo von mà vị thứ trưởng kia lại đi bằng xe ôm bụi bặm, mồ hôi mồ kê nhễ nhại.

Điều này gây “ái ngại” không chỉ cho người đi ô tô mà còn “ái ngại” cho cả người đi xe ôm, vì nó có gì đó như… chơi trội.

Thế là để “công bằng”, tất cả lại “cùng nhau ta đi… ô tô”, vừa mát mẻ, an toàn nhàn nhã lại vừa công bằng, bình đẳng.

Cho nên để chủ trương khoán xe công đi vào cuộc sống, tức là ai cũng phải thực hiện, có lẽ Quốc hội nên ra một nghị quyết ghi rõ những đối tượng nào được sử dụng, đối tượng nào thuộc diện khoán xe công cho rõ ràng, minh bạch.

Khi đã có nghị quyết của Quốc hội thì tất nhiên, mọi việc đều răm rắp.

Và khi đó, một chủ trương đúng không còn như một “người đẹp ngủ trên… bàn!”, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám