"Sợ nhận sai" - Giấu bệnh thì làm sao mà chữa?

(Dân trí) - Sau loạt bài phản ánh của phóng viên Dân trí về tình trạng mất an toàn giao thông tại "ngã tư chết người" – nút giao ngã tư tuyến tránh TP Hà Tĩnh và QL1A thuộc địa phận xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã có chỉ đạo nóng, yêu cầu xử lý "điểm đen" này.

Sợ nhận sai - Giấu bệnh thì làm sao mà chữa? - Ảnh 1.

Ngày 28/12/2018, Cục Quản lý đường bộ II vào cuộc khảo sát hiện trạng, sau đó trình và được Tổng cục Đường bộ đồng ý cho triển khai dự án cấp bách khắc phục các khiếm khuyết tại nút giao trên.

Và cách đây 1 tuần, một vòng xuyến trung tâm có mũi tên chỉ hướng đã được lắp đặt, sau đó là khắc phục hệ thống chiếu sáng. Chỉ vậy thôi, thế nhưng cũng phải mất 2 năm để người dân "đấu tranh", báo chí lên tiếng.

Động thái của Cục Quản lý đường bộ II và của Tổng cục Đường bộ tuy đưa ra muộn nhưng dẫu sao cũng phần nào giải toả được mối nơm nớp lo sợ của người dân khi đi qua ngã tư này, có tác dụng phòng ngừa rủi ro tai nạn đau thương khác có thể xảy ra. Đó là việc nên làm, đương nhiên phải làm!

Những lá thư cảm ơn của chính quyền xã Cẩm Bình, Cẩm Vịnh, những cuộc điện thoại, tin nhắn của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn liên tục gửi tới Báo Dân trí đã phần nào cho thấy niềm phấn khởi của người dân nơi đây khi nguyện vọng chính đáng của họ cuối cùng cũng đã được lắng nghe, đáp ứng.

Chỉ có điều, đã có 6 người chết, hàng chục người bị thương… Những người dân ở đây vẫn khắc khoải trông chờ một lời xin lỗi, một hành động đứng ra chịu trách nhiệm. Có người thậm chí phát đơn kiện cơ quan chức năng.

Mới thấy, lòng dân rất sáng và cũng rất công bằng.

Từ 74 năm trước, trong bức thư "Gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn dò đội ngũ cán bộ nhà nước: "Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta".

Ở thời điểm đó, Bác Hồ đã nghiêm khắc lên án những cán bộ biến chất "quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân chứ không phải là để cậy thế với dân".

Thế mà, hơn 7 thập kỷ đã qua, những vấn đề Bác từng đề cập vẫn còn nóng hổi, còn nguyên tính thời sự. Một bộ phận cán bộ dường như vẫn đang coi mình là "bề trên", giải quyết vấn đề trong bổn phận và trách nhiệm nhưng cũng phải chờ có đơn xin, khiếu nại năm lần bảy lượt. Đến lúc để xảy ra hậu quả nặng nề thì cũng phải cần có "sức ép" mới khắc phục.

Đành rằng, dù là quan hay là dân, ai cũng có lúc mắc phải sai lầm. Người ta chỉ không sai lầm khi không làm gì cả. Nhưng rất nhiều người vẫn ám ảnh nỗi "sợ" phải nhận sai.

Năm 1947, trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", Bác dạy rằng: "Khuyết điểm cũng như chứng bệnh, phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết cũng "la lết quả dưa"...".

Dân không trông chờ những lời xin lỗi suông hay những động thái "chịu trách nhiệm" một cách miễn cưỡng, qua loa, hình thức. Nhưng thiết nghĩ, một số cơ quan chức năng cứ mãi "giấu bệnh" như thế này thì khó chữa lắm thay!

Lo… Không lo sao được!?

Bích Diệp