Số liệu… ảo diệu!
(Dân trí) - Thông thường, các con số khô khan được trình bày tại những phiên họp hành, hội thảo thường ít gây chú ý. Thế nhưng, tại phiên chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng trong phiên họp của HĐND tỉnh Thanh Hoá vào ngày 13/12 thì số liệu báo cáo lại trở thành tâm điểm tranh luận.
Cụ thể, theo đại biểu Lê Thị Hoa: Tại báo cáo giám sát của Mặt trận Tổ quốc tỉnh vào tháng 10/2018, đã có 10 huyện chưa có nhà hoàn thành và 12 huyện chưa giải ngân, nhưng mới chỉ sau 1 tháng mà báo cáo trả lời vượt số liệu rất nhiều.
“Giải pháp nào mà triển khai nhanh, từ báo cáo giám sát của Mặt trận Tổ quốc là 15% giải ngân vốn vào tháng 10 và 25% số hộ được hỗ trợ, nhưng hôm nay tăng lên 45,57% vốn đã giải ngân và tỷ lệ hộ được hỗ trợ là 75,96%?”, đại biểu Hoa thắc mắc.
Đến ngay cả ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa cũng nhận xét: Báo cáo của Sở Xây dựng cập nhật còn nhiều vấn đề về số liệu, không đúng về mặt toán học.
“Các số liệu khập khiễng, chuyển rất nhanh ở giai đoạn gần đây. Từ hôm Mặt trận tổ quốc thành lập đoàn giám sát đến nay có nhiều số liệu tăng gấp đôi. Ví dụ như Sầm Sơn, mới đêm qua, số liệu từ 16,39% lên hơn 50%. Rất nhiều đại biểu không yên tâm về số liệu. Các huyện báo cáo lúc thế này, lúc thế khác”, ông Chiến nói.
Vị chủ tọa kỳ họp này cũng cho rằng: “Nếu Mặt trận Tổ quốc không giám sát thì chắc chắn chưa có chuyển biến gì. Nay hội đồng chất vấn, mấy hôm nay các huyện và Sở Xây dựng đi nghiên cứu, xem lại số liệu cho nên mới loạn xạ cả lên”.
Như vậy, dù chưa thể kết luận được rốt cuộc số liệu mà Sở Xây dựng Thanh Hoá đưa ra có chính xác hay không, nhưng rõ ràng quá trình thống kê và công khai số liệu của đơn vị này đã đặt ra nghi ngờ cho người tiếp nhận về tính trung thực.
Nếu con số mới cập nhật là đúng thì trong thời gian trước đó, chẳng hoá ra đơn vị này đã làm việc quá ẩu hay sao? Còn nếu không đúng thì việc gì Sở Xây dựng tỉnh này phải “thổi phồng” số liệu lên một cách phi lý như thế?
Càng về thời điểm cuối năm sẽ càng có thêm nhiều phiên họp, nhiều cuộc tổng kết. Điều đó cũng có nghĩa là sẽ còn có rất nhiều số liệu được công bố bởi cơ quan này hay tổ chức khác. Số liệu chính là căn cứ để chúng ta nhìn lại một năm qua đã làm được những gì, là cơ sở để đánh giá hiệu quả chính sách, hiệu quả triển khai, hoạt động của các cấp chính quyền.
Thế nhưng, khi số liệu đưa ra mà ai cũng thấy ngỡ ngàng, “không tin nổi”, khi tính trung thực của số liệu bị nghi ngờ thì việc báo cáo, việc công khai, minh bạch còn có ý nghĩa gì?
Còn nhớ từ cách đây mấy năm đã có những tranh luận qua lại về cách thống kê GDP cả nước và GRDP (còn gọi là GDP địa phương), đại ý địa phương nào cũng báo tăng trưởng cao nhưng tăng trưởng chung của cả nước lại thấp.
Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác đầu năm 2018 của Tổng cục Thống kê đã cảnh báo: “Số liệu nào chính sách đó, có đánh giá, dự báo, tôi đề nghị số liệu chính thống tin cậy, không bỏ sót, không tính trùng. Bên cạnh số liệu cần phải đánh giá, phân tích, để số liệu thống thành con số biết nói”.
Còn một khi số liệu đã “ngậm bột nở”, bị “thổi phồng” chỉ để làm “đẹp mặt lãnh đạo” thì chẳng những họp hành trở nên vô bổ mà hậu quả từ việc sử dụng những số liệu đó để làm căn cứ, cơ sở cho chính sách điều hành sẽ rất khôn lường.
Tóm lại, bệnh thành tích, dù ở cấp độ nào cũng là hiểm hoạ!
Bích Diệp