"Sâu" nào đục rỗng những con đường?

(Dân trí) - Câu chuyện cuối tuần trước mà Dân trí đã đưa tin: Tỉnh lộ 284 (đoạn Lãng Ngâm-Đại Bái), chỉ dài 2 km tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, đầu tư 10 tỷ đồng nhưng vừa hoàn thành đã xuống cấp nghiêm trọng đã làm nóng lên câu chuyện muôn thuở: Thất thoát trong đầu tư, xây dựng.

"Sâu" nào đục rỗng những con đường? - 1

Dù vẫn là câu chuyện không phải mới nhưng bất cứ ai đã đóng thuế cho nhà nước, trông thấy hình ảnh của con đường này không thể không bức xúc.

Đó là những hình ảnh, clip một con đường mới hoàn thành đã lún, nứt nẻ, chắp vá, loang lổ. Thậm chí, chỉ dùng bằng tay thôi, người ta dễ dàng cậy được mặt đường và bên dưới toàn đất và cát... Không thể hình dung được đó là công trình mới hoàn thành năm 2016.

Với mặt đường chỉ gọi là tráng qua 1 lớp xi măng có 2 cm (trong khi thiết kế là lớp bê tông bề mặt 25 cm), thì với lỗ chỗ các vết thủng trên mặt đường, dễ hình dung nó đã bị đục rỗng.

Tất nhiên sẽ có một câu hỏi đặt ra: Thế ai đã đục rỗng con đường ấy? Người hay sâu? và câu trả lời cũng muôn thuở: Ở đây người cũng như sâu. Sâu ăn chẳng từ thứ gì mà. Cả phân bón cho sản xuất nông nghiệp, tiền tài trợ, từ thiện cho người nghèo.. và cả các vật liệu xây dựng cho các công trình xây dựng cơ bản.

Những ví dụ về thất thoát, kê khống, ăn bớt vật liệu xây dựng để rút tiền dự án, chia chác, bỏ túi trong mấy năm nay nhiều vô kể. Trên mặt báo cũng đã nêu rất nhiều.

Báo cáo Kiểm toán tổng hợp hàng năm của Kiểm toán Nhà nước, báo cáo tổng hợp của Thanh tra Chính phủ, thanh tra các cấp về lãng phí, thất thoát trong đầu tư, xây dựng nhất là các công trình giao thông cũng cho thấy, số dự án, công trình bị "sâu" đục nhiều vô kể, lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng/năm.

Số liệu của Bộ Xây dựng cho biết, riêng năm 2016, Thanh tra của Bộ này cũng đã phải kiến nghị xử lý 3.200 tỷ đồng sai phạm trong đầu tư, xây dựng.

Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội tại kỳ họp đang diễn ra cho thấy: Về tình hình quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành năm 2016, có 38.000 dự án, công trình hoàn thành được phê duyệt quyết toán, tổng số vốn đầu tư đề nghị quyết toán là 186.246 tỷ đồng; qua công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán đã loại khỏi giá trị đề nghị quyết toán 1.166,6 tỷ đồng.

Đó là chủ yếu do việc tính toán sai đơn giá và khối lượng của các dự án, công trình. Đây mới chỉ là số liệu báo cáo của 9 bộ, cơ quan và 31 địa phương. Và con số thất thoát chưa phát hiện được thường lớn hơn nhiều lần con số mới thẩm tra, phê duyệt quyết toán (khi thanh tra, kiểm toán còn chưa vào).

Đoạn tỉnh lộ 284 ở Bắc Ninh bị đục rỗng như vậy chỉ là một câu chuyện nhỏ trong bức tranh chung về thất thoát trong xây dựng cơ bản. Nhưng mức độ tác động đến dư luận lớn bởi hình ảnh, clip cho thấy mức độ phá hoại của "đàn sâu" đã đến mức không thể chấp nhận được.

Phải chăng ở ta, kiểm tra, thanh tra phát hiện thì nhiều nhưng xử lý kỷ luật, xử lý trách nhiệm cá nhân về cả hành chính hay hình sự đều quá nhẹ nên mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng?

Đã từng có đề xuất từ Kiểm toán Nhà nước: Nếu địa phương, bộ, ngành nào để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí lớn trong sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trong đầu tư xây dựng thì năm tài chính sau, phải cắt giảm kinh phí cấp phát.

Nhưng trong nhiều năm qua, kiến nghị này đã không được thực hiện. Hình thức kỷ luật chủ yếu ở các ngành, các cấp khi thanh tra, kiểm toán, báo chí... phát hiện chủ yếu là: phê bình, cảnh cáo, rút kinh nghiệm... thì mãi mãi, tình trạng gian lận, đục khoét vào các công trình không thể nào giảm (chứ đừng nói chấm dứt), và "bầy sâu" sẽ còn sinh sôi, nảy nở, đục rỗng mọi con đường, mọi công trình...

Mạnh Quân