Sao nỡ hành xử như vậy với người tột cùng đau khổ vì oan sai?
(Dân trí) - Ngày 31/3 vừa qua, PV Dân trí dẫn nguồn tin từ Bộ Tư pháp cho hay, Công an tỉnh Bắc Giang đã giải quyết xong việc bồi thường oan sai cho ông Mưu Quý Sường với tổng số tiền trên 2,35 tỷ đồng.
Nhìn lại cuộc đời của người đàn ông bạc phận ấy, có lẽ ai cũng đều rơi nước mắt vì xót xa. Từ một Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã, ông Sường mất vợ rồi mất tất cả vì cái án "giết người". Khi tự do trở về nhà thì con thơ đã tha hương, ông lâm vào tình cảnh không gia đình, may sao còn gặp được bà Vi Thị Cú để chung sống đến cuối đời.
Ông kêu oan nhưng khi chưa kịp chờ đến ngày được minh oan thì đã mất vào tháng 12/2013. Người đàn ông ấy đến tận lúc nhắm mắt vẫn còn mang trên mình "tiền án giết người" - mà lại là nỗi oan giết vợ.
Chiều ngày 29/1/2018, sau hơn 4 thập kỷ chờ đợi, gia đình ông Sường được Công an tỉnh Bắc Giang tổ chức xin lỗi công khai tại trụ sở UBND xã Trù Hựu và 3 năm sau đó, gia đình nhận được bồi thường oan sai.
Những tưởng chuyện buồn của gia đình ông Sường đã khép lại và ông đã có thể ngậm cười nơi chín suối, thì mới hay, tiền bồi thường vừa về chưa "nóng" tay thì gia đình ông đã lập tức phải đưa 900 triệu đồng tiền mặt "chia công" cho người đại diện pháp lý của gia đình.
Tiền "cảm ơn" tương đương khoảng 40% tổng giá trị bồi thường - một con số gây kinh ngạc với giới luật sư. Đáng nói là hợp đồng thỏa thuận của số tiền này lại chỉ vừa mới ký sau khi gia đình nhận được bồi thường từ công an.
Vụ việc khiến chúng ta nhớ lại một trường hợp oan sai khác là cụ ông Trần Văn Thêm (83 tuổi ở Bắc Ninh) được Nhà nước bồi thường oan sai 6,7 tỷ đồng năm 2019 nhưng lại chỉ cầm về hơn 2 tỷ đồng.
Ông Thêm đã phải đưa 40% số tiền bồi thường oan sai cho một lãnh đạo công ty luật ở Hà Nội "để làm từ thiện, kêu oan cho những trường hợp tương tự" theo văn bản ủy quyền đã ký trước đó.
Tôi không rõ còn tồn tại đâu đó những trường hợp như thế này hay không, nhưng chỉ bấy nhiêu cũng phản ánh một thực tế đau lòng đối với những con người yếu thế trong xã hội.
Họ yếu thế trên con đường đến với công bằng, công lý vì thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết và có lẽ còn bởi họ quá… "có trước, có sau", quá tử tế, tin người (?!). Giữa bao nhiêu cảnh lừa lọc, dối gian, qua cầu rút ván, nhưng như trường hợp gia đình bà Cú, bà cho biết "sẽ không khiếu nại chuyện này", dù tỉ lệ 40% bất cứ ai nghe qua cũng thấy vô lý, không thể nào chấp nhận nổi.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM cho biết, theo quy định pháp luật thì không thể lấy của gia đình người oan sai số tiền lớn như vậy được (đã quy định tại Luật Bồi thường nhà nước; Luật Trợ giúp pháp lý).
Ở đây còn một trường hợp, người này không phải là luật sư thì hợp đồng trên có thể coi là hợp đồng dân sự. Nhưng dẫu thế cũng không thể đòi trả công một số tiền quá lớn, quá phi lý.
Nghĩa là xét cả về lý và về tình thì cái hợp đồng "cảm ơn" trên đều khó chấp nhận. Cần nhấn mạnh rằng, với người bị oan sai, hàng tỷ đồng cũng mới chỉ bù đắp được phần nào bao oan ức, thiệt thòi mà cuộc đời họ và gia đình họ đã phải gánh chịu.
Nay phải chờ đợi hơn nửa đời - tới 4 thập kỷ mới đòi được công bằng, họ phải lại phải bớt đi 40% số tiền được bồi thường cho người hỗ trợ. Thử hỏi, sao người ta có thể thản nhiên mà cầm được số tiền đó nhỉ? "Ăn" gì thì ăn, ăn của những người đã sống đến tận cùng đau khổ, sao đặng?!
Trước sự việc đầy trớ trêu này, bà Nguyễn Thị Mai - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Bổ trợ tư pháp cho biết, cơ quan này "đang nghiên cứu vụ việc để có hướng xử lý". Tôi hi vọng, cơ quan chức năng sẽ "xử lý" kịp thời, trả lại công bằng đúng nghĩa có người bị oan sai và thân nhân của họ.
Một xã hội công bằng - văn minh trước hết phải là một xã hội mà người yếu thế được an toàn, được bảo vệ trước mọi bất công.