Sáng kiến của lòng yêu thương

(Dân trí) - Những ngày gần đây, hình ảnh về những chiếc bể bơi tự chế bằng tre nứa, bạt nilon, bằng tận dụng bể xả trạm bơm… và những lớp dạy bơi tình nguyện của những người dân lao động ở một số địa phương, được truyền thông phản ánh đã gây xúc động tới nhiều người.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Theo Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm cả nước ta có khoảng 6400 người bị đuối nước, trong đó hơn 50% là trẻ em và trẻ vị thành niên. Nghĩa là có khoảng 9 trẻ tử vong do đuối nước mỗi ngày. Còn theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), con số này cao hơn nhiều và Việt Nam là quốc gia có số trẻ em bị chết đuối đứng thứ hai trên thế giới.

Vấn đề phòng chống đuối nước ở trẻ em được bàn nhiều, thường xuyên, nhất là vào những dịp hè về. Từ bộ đến sở đã có nhiều văn bản chỉ đạo, năm nào cũng nhắc nhở, ai cũng hiểu là cần phải dạy bơi ngay lập tức cho con trẻ nhưng muốn dạy được thì việc đầu tiên là phải có bể bơi, mà muốn có bể bơi thì phải có kinh phí, có địa điểm, có giáo viên v.v. Thế là, dù rất nhiều trường học ở các địa phương đã tìm cách tỏ chức dạy bơi giúp hàng ngàn học sinh được học bơi miễn phí nhưng chẳng thấm vào đâu. Cứ hết mùa hè này sang mùa hè khác, hết năm này sang năm khác, chúng ta vẫn phải xót xa chứng kiến những cái chết do đuối nước của con trẻ.

Nhiều thầy cô và người dân ở các địa phương khó khăn vẫn đang phải tiếp tục chủ động tìm mọi cách khắc phục.

Ở Nghệ an, thầy giáo Ngô Minh Thanh (Sở GD-ĐT Nghệ An) đã có sáng kiến làm bể bơi bằng khung sắt, dễ dàng tháo lắp, di chuyển, sử dụng loại bạt dày có khả năng chịu áp lực cao, có thể đồng thời chứa được 10 người.

Còn các thầy cô trường Tiểu học Phú Mỹ 1 (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) thì tận dụng bể xả trạm bơm nước thủy lợi cho đồng ruộng làm nơi dạy bơi cho các học sinh của mình.

Độc đáo nhất là sáng kiến của các giáo viên trường tiểu học Hưng Thạnh 2 (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) dùng tre, lưới bạt… làm hồ dạy bơi cho học sinh ngay trên sông. Nhờ hồ bơi này, nhà trường đã xóa “mù” bơi cho hàng trăm em học sinh địa phương. Nhìn cảnh bên bờ dòng sông lớn, một chiếc bể bơi được quây bằng tre lạt và lưới bạt nilon nom như một chiếc vó lớn, trong đó những đứa trẻ đang vẫy vùng tập bơi mà thấy thật cảm động.

Rồi câu chuyện về những người tình nguyện dạy bơi miễn phí cho trẻ ở khắp mọi nơi. Thầy Lê Quốc Châu (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) lăn lộn khắp nhiều địa phương của tỉnh để mở các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ nhỏ. Thầy Lê Trung Sứng (Quận Bình Thủy, Cần Thơ), đã kiên trì dạy bơi miễn phí suốt 16 năm qua cho hàng ngàn học sinh nghèo.

Vợ chồng anh Phạm Xuân Phi (Huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) ngày ngày cứ đến 4 giờ chiều là ngừng mọi công việc, ngồi bơm những chiếc xăm xe cũ làm phao bơi mang ra sông dạy trẻ tập bơi miễn phí. Không bể bơi, giáo trình, sách vở, anh Phi chọn một khúc sông ven bờ để truyền dạy những kinh nghiệm cá nhân của mình cho bọn trẻ. Hàng trăm trẻ em nghèo đã biết bơi từ lớp học tình nguyện đơn giản của anh

Nhìn chiếc bể bơi được treo trên cọc tre như một cái vó dúm gió bên dòng sông, hay những chiếc xăm xe đen đúa trên tay những đứa trẻ đang bì bõm mà lòng thấy rưng rưng. Cuộc sống còn nhiều khốn khó quá, con trẻ chúng ta còn nhiều thiệt thòi thiếu thốn quá… May sao tình người trong vất vả còn nguyên ấm áp, lòng thương con trẻ dù ở đâu vẫn đủ đầy.

Khi lòng ta thực sự tha thiết, quan tâm, khi trí ta thực sự đau đáu một ý thức trách nhiệm, không vô cảm, không ích kỷ, thờ ơ thì ta sẽ có rất nhiều cách để vượt khó và giúp người khác vượt khó. Tôi gọi những chiếc bể bơi tự chế và những lớp dạy bơi tự nguyện là sáng kiến của lòng yêu thương.

Cát Thụy