“Sắm tròn vai” đại biểu của dân!
(Dân trí) - Chỉ khi nào các vị đại biểu Quốc hội hoạt động hết năng suất, phát huy hết vai trò thì lúc đó, việc “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” mới trở nên thực chất...
Hôm Chủ nhật vừa rồi, khi tôi ghé một chợ dân sinh, những câu chuyện được bàn luận rôm rả từ đầu chợ đến cuối chợ, thật bất ngờ không phải là giá cả thị trường mà lại là những vấn đề chất vấn trên hội trường Quốc hội cho đến kết quả bầu cử Mỹ - đất nước ở tận bên kia bán cầu.
Rõ ràng, người dân đang ngày càng quan tâm hơn đến chính sách và những vấn đề vĩ mô. Họ không những thuộc tên đại biểu ở các địa phương khác mà còn nêu nhận xét về cả chất lượng câu hỏi lẫn câu trả lời của lãnh đạo các bộ ngành.
Như vậy, nếu như Quốc hội đang thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội… thì Quốc hội cũng đang được giám sát bởi cử tri. Người dân dõi theo từng bước đi, từng hoạt động của các đại biểu Quốc hội và trong từng cuộc chất vấn, họ phần nào sẽ đánh giá được chất lượng đại biểu.
Từ diễn biến của những phiên thảo luận gần đây, qua tường thuật lại của báo chí và qua tường thuật trực tiếp trên truyền hình, thấy rằng, nhiều đại biểu đã “sắm tròn vai”, nói lên được tâm tư, nguyện vọng và chuyển tải được cả những trăn trở, bức xúc của cử tri.
Tiếc rằng, đâu đó vẫn còn một số vị chưa đáp ứng kỳ vọng của người dân, chưa làm trọn lời hứa với cử tri. Bản thân người viết từng có thời gian làm phóng viên nội chính, tay gõ phím, tay ghi âm nhưng kết quả hoang mang không hiểu đại biểu đang muốn nêu ra ý kiến gì, đang muốn chất vất nội dung nào…
Người viết cho rằng, một phần nguyên nhân đó là nhiệt huyết của đại biểu chưa đủ và có thể còn một phần nữa là sự hạn chế về kiến thức lý thuyết cũng như thực tiễn của đại biểu đó trong vấn đề tranh luận.
Chính vì vậy, không chỉ trong trường hợp đại biểu “không có ý kiến gì” mà ngay cả khi đại biểu “nêu ý kiến” nhưng lại không “trúng” vấn đề cũng khiến chất lượng thảo luận bị giảm, chưa làm cử tri hài lòng.
Đâu phải lúc nào các đại biểu cũng có được cơ hội để trao đổi với lãnh đạo bộ, ngành về những vấn đề tại địa phương, nên việc “để lỡ” cũng chính là lãng phí ngân sách, lãng phí cả niềm tin của cử tri vậy!
Đành rằng, trong số 500 đại biểu quốc hội, có một tỉ lệ lớn đại biểu kiêm nhiệm nhưng người viết kỳ vọng rằng, một khi đã đứng ở tư cách người đại biểu nhân dân thì các nghị viên sẽ không bị nhầm lẫn vai trò.
Đã là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đại biểu Quốc hội cũng cần phải có trách nhiệm nâng cao kiến thức và đi sâu vào quần chúng để thực sự hiểu điều mà người dân, cử tri đang mong mỏi.
Luật Tổ chức Quốc hội nay đã nâng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách lên ít nhất 40%, tăng 5% so với quy định trước đó và sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ 1/1/2021). Con số này để chúng ta tin rằng, tới đây, chất lượng đại biểu sẽ ngày càng được nâng cao, số lượng các đại biểu toàn tâm toàn ý cho công việc tại Quốc hội sẽ tăng lên.
Dù vậy, như TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từng nêu ý kiến: “Các đại biểu chuyên trách là cái chúng ta đang có, nhưng có lẽ các đại biểu chuyên nghiệp mới là cái chúng ta cần”. Theo đó, “nghề đại biểu” thực chất làm hai việc: Một là, làm cho cử tri vừa lòng; hai là, hoạt động có hiệu quả ở Quốc hội.
Một khi chất lượng đại biểu tăng, hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội được phát huy thì chất lượng luật pháp và chính sách cũng sẽ tăng lên - điều tiên quyết để xây dựng một Nhà nước pháp quyền.
Và cũng chỉ khi các vị đại biểu Quốc hội hoạt động hết năng suất, phát huy hết vai trò thì lúc đó, việc “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” mới trở nên thực chất.
Cử tri vẫn đang dõi theo các vị!