Rùa ở hồ Gươm: “Cụ” hay “con”!
(Dân trí) - Vấn đề rùa ở hồ Gươm đang thu hút sự chú ý đặc biệt của người dân mà nguyên nhân chính là sự trái chiều về cách nghĩ xuất phát từ chữ “con” hay “cụ”. Giới truyền thông 2 miền Nam - Bắc cũng có những nhìn nhận khác biệt.
Gọi là cụ Rùa, có lẽ ý thức đầu tiên là do cụ sống lâu, cao tuổi. Chưa cơ quan chức năng nào công bố tuổi thọ của cụ rùa hồ Gươm chính xác là bao nhiêu chỉ ước tính từ trên 100 tuổi cho tới 300 tuổi. Ngoài ra cụ còn là một biểu tượng văn hóa, tâm linh, một niềm tự hào truyền tải nhiều thông điệp về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt.
Cụ thể, có ít nhất 2 truyền thuyết lịch sử gắn với hình ảnh rùa được người Việt ghi nhận đó là sự tích “Thần Kim Quy” dâng móng làm lẫy nỏ thần cho Thục Phán An Dương Vương và rùa thần dâng kiếm cho vua Lê - gắn chặt với cụ rùa hồ Gươm hiện nay.
Hầu hết các dân tộc trên thế giới đều có truyền thuyết lịch sử. Đặc thù lịch sử Việt Nam nghìn năm gắn liền với dựng nước và giữ nước, 2 truyền thuyết về cụ rùa đã được đưa vào chương trình giáo dục chính thống để dạy học sinh từ khi mới cắp sách tới trường. Thực tế người dân thờ Thánh Gióng luôn đi liền với con ngựa sắt ngài cưỡi đánh giặc Ân và vì thế với nhiều người, không có lý do gì tách cụ rùa ra khỏi việc thờ vua Lê.
Ngày 8/3 vừa qua, trong suốt 7 tiếng đồng hồ vây bắt, hàng nghìn người dân “bỏ công bỏ việc” đến Hồ Gươm đã vui mừng bao nhiêu khi nhìn thấy cụ Rùa nổi lên trong lưới vây thì lại thất vọng bấy nhiêu khi thấy cụ Rùa thoát lưới ra ngoài.
Không gọi là cụ sao được khi mà chân dung cụ, tình hình bệnh tật, tuổi già của cụ xuất hiện trang trọng trên nhiều báo, tạp chí hàng đầu trong nước cũng như các hãng thông tấn quốc tế như BBC, AFP, AP, Washington Post...
***
Chẳng có gì là cụ cả vì rùa hồ Gươm là một con vật thuộc lớp bò sát như bao loài động vật khác.
Hơn thế trong các tôn giáo tại Việt Nam, rùa không phải là một Tô Tem (thờ vật tổ) của một tôn giáo nào, có chăng xuất hiện trong tứ linh “Long, Lân, Qui, Phụng” nhưng rùa chỉ là vật đội hạc, đội bia mà thôi: “Thương thay thân phận con rùa, Lên đình đội hạc xuống chùa đội bia”…
***
Ai đúng ai sai? Xem ra không thể có câu trả lời thỏa đáng vì có thể coi đây như hai thái cực duy vật và duy tâm trong triết học. “Cụ rùa” hay “con rùa” chỉ là cách gọi của từng người với tình cảm và niềm tin của riêng mình dành cho cá thể rùa ở Hồ Gươm.
Tương tự, cây mai già hay lão mai cũng là một mà thôi, hay như người Thanh Hóa và du khách từ nhiều đời nay không bao giờ bắt cá ở “suối cá thần” là vì vậy.
Thế nên điều đáng lưu ý duy nhất ở đây là cần rạch ròi giữa khoa học với tín ngưỡng, tâm linh.
***
Tuy vậy một cá thể rùa quí hiếm (rùa hồ Gươm là 1 trong 4 cá thể loài này còn sót lại trên thế giới được xếp vào nhóm có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất) tồn tại nhiều thế kỷ ngay giữa Thủ đô Hà Nội văn hiến là một điều rất đáng trân trọng, cần đề cao chăm sóc giữ gìn.
Vì thế chuyện rùa hồ Gươm “tuổi cao, sức yếu”, bệnh tật phải được quan tâm ngay thì nhiều sở, ngành có trách nhiệm liên quan tại Hà Nội lại cứ hồn nhiên hội thảo tiêu tiền ngân sách mà không (chưa) đưa ra được giải pháp cụ thể đã khiến dư luận bức xúc!
Đến đây vấn đề tiền bạc cứu cá thể rùa hồ Gươm nên chăng cần có 1 quỹ tự nguyện, ai thích và yêu cụ rùa thì xin mời đóng góp vào rồi dùng chứ cứ lấy tiền từ ngân sách ra tiêu thì những người không “tin” con rùa ở hồ Gươm phản ứng là điều dễ hiểu.
Đấy là chưa kể đến việc nhiều người còn lo lắng kinh phí cứu chữa cho con rùa thì ít mà trục lợi cá nhân qua đó thì nhiều. Vấn đề nữa là chỉ cứu cụ rùa mà không nghĩ đến chuyện cứu môi trường hồ Gươm thì có khác gì đưa người mới ra viện về sinh sống ở… nghĩa trang.
Trong gần 20 năm nghiên cứu về rùa hồ Gươm, GS. Hà Đình Đức khẳng định: “Mỗi lần cụ rùa nổi đều ứng với một sự kiện văn hóa, lịch sử nào đó của đất nước”. Trả lời báo chí, ông Hoàng Văn Hà, cán bộ Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á cho rằng, chưa có bằng chứng khoa học nào về việc rùa Hồ Gươm nổi liên quan đến yếu tố tâm linh. Việc rùa Hồ Gươm nổi vào những ngày lễ lớn chỉ là sự tình cờ, ngẫu nhiên.
Bạn đọc hãy chú ý, ông Hà nói là “chưa có” thay vì “không”, bởi chúng ta hãy nhớ lại thời điểm năm 2007, khi dư luận xôn xao về thông tin “Thánh vật sông Tô Lịch” với hàng loạt ý kiến trái chiều, khi đó nhà sử học Dương Trung Quốc, cũng thừa nhận: “Vào thời điểm này chúng ta không còn ở thời kỳ chủ nghĩa vô thần thô mộc nữa. Chúng ta tin rằng có đời sống tâm linh”.
Xin chia sẻ thêm với bạn đọc một lời dạy của GS. TSKH Tô Ngọc Thanh từ thời người viết còn là sinh viên của thầy rằng: Niềm tin tâm linh về một sự vật, hiện tượng ở mỗi người có các giới hạn và cảm nhận khác nhau nhưng nghìn lần xin đừng “báng bổ” nếu khoa học hiện tại chưa thể lý giải được những thực tế hiển nhiên đó.
***
Năm 2011 được Tổ chức Bảo tồn Động vật lưỡng cư và bò sát quốc tế chọn là năm bảo vệ rùa, “Sinh, lão, bệnh, tử” là quy luật tự nhiên của muôn loài nhưng hãy nhìn sâu hơn 1 chút, với con người ai sống cũng cần có niềm tin.
Khi mất niềm tin vào cuộc sống hiện tại, nhiều người sẽ đặt niềm tin vào thế giới tâm linh…
Thanh Ngọc