Rất mong Hà Nội trả lời thỏa đáng các câu hỏi của dân

(Dân trí) - Chặt một lúc 6.700 cây xanh ở Hà Nội là một việc rất lớn, quá lớn, liên quan đến toàn bộ người dân của thành phố Hà Nội và liên quan đến toàn dân nước Việt, bởi vì Hà Nội là thủ đô của Việt Nam.


(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Hệ thống cây xanh của Hà Nội là một bộ phận quan trọng cấu thành hình hài vật chất và gương mặt văn hóa của Hà Nội, vậy mà có người dám bảo rằng chặt cây ở Hà Nội là việc của chính quyền, không cần phải hỏi ý kiến nhân dân.

Chính quyền là ai vậy? Là những con người bình thường, không phải thần thánh, cho nên những điều họ nghĩ ra có thể không đúng, chưa đúng, thậm chí phạm sai lầm. Cho nên, những người có quyền trong chính quyền, cần phải hỏi ý kiến của người dân trước khi đưa ra một quyết định liên quan đến cộng đồng là hết sức cần thiết.

Đúng là không phải chuyện gì chính quyền cũng phải hỏi dân. Ví dụ, đối với những việc đã có quy định của pháp luật, chính quyền căn cứ pháp luật mà thực hiện , không cần phải hỏi ai. Nhưng chặt 6.700 cây xanh thì không thể không hỏi.

Dân là ai vậy? Là những nhà khoa học, những chuyên gia về đô thị, về cây trồng, về quy hoạch. Dân là những bộ óc có kiến thức và kinh nghiệm liên quan đến chuyện cây cối và môi trường đô thị, văn hóa đô thị, bảo tồn di sản…Không hỏi dân là thiếu sự cầu thị thưa chính quyền.

Hãy nghe nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc nói: “Các cơ quan có thẩm quyền cần lắng nghe ý kiến các chuyên gia các nhà khoa học về việc đốn hạ số lượng lớn cây xanh như trên. Kể cả việc đốn hạ được trồng mới (thay thế) cũng phải có cơ sở khoa học, hợp lý chứ không phải thực hiện ồ ạt theo kiểu đến một tuyến phố và đốn hạ toàn bộ cây xanh”.

Còn giáo sư Nguyễn Lân Dũng chỉ ra lựa chọn cây gỗ vàng tâm để thay cho cây hiện hữu là không hợp lý vì vàng tâm là cây gỗ quý, có giá trị tương đương với cây sưa, giá trị cao thường mọc ở rừng sâu trong độ cao khoảng 100 – 700m. Cây gỗ nói trên ưa đất chua và lớn rất chậm đòi hỏi độ cao và không khí lạnh mới có thể phát triển. GS Dũng cũng phân tích về yếu tố thẩm mỹ tự nhiên của đô thị: “Theo tôi, vẻ đẹp tiềm ẩn của thủ đô Hà Nội không nằm ở những nhà cao tầng, những công trình đồ sộ mà chính ở những hàng cây cổ thụ rợp bóng những cung đường. Đã đi qua rất nhiều nước trên thế giới từ Pháp, Thái Lan, Nhật Bản… tôi nhận thấy không có thành phố nào sở hữu những hàng cây xanh cổ thụ lớn và đẹp như ở Thủ đô Hà Nội”.

GS toán học Ngô Bảo Châu đặt ra những câu hỏi rất toán:

1a. Tại sao từ trước đến nay công ty công viên cây xanh vẫn thực hiện duy tu bảo trì mà không cần chiến dịch chặt cây?

1b. Tại sao nhiều cây cao, thẳng khoẻ mạnh cũng bị chặt?

1c. Có ở đâu, nơi nào, khi nào người ta duy tu bảo trì cây xanh bằng cách chặt cây hàng loạt hay không?

2a. Nhiều khu phố, nhà Hà Nội xây cất thiếu quy hoạch, phản mỹ quan, liệu có cần ủi đi xây lại không?

2b. Biển quảng cáo kích thước không đồng bộ, có cái khổng lồ, có cái mới treo chồng lên cái cũ, sao không có chiến dịch chế tài, gỡ hết đi cho đỡ nhem nhuốc bộ mặt thành phố?

2c. Cây mới trồng lại bao giờ mới lớn? Để chờ một có một hàng cây đồng bộ thẳng hàng, tổn thất cho dân là gì, có xứng đáng không?

2d. Nếu mỹ quan phố phường là việc quan trọng, thì việc chặt cây trồng cây mới có phải là việc cần ưu tiên hay không? Cây xanh có phải là cái làm xấu nhất bộ mặt thành phố không?

Không chỉ có các nhà khoa học, nhiều văn nghệ sĩ cũng bày tỏ thái độ không đồng tình như Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ…

Rất mong chính quyền thành phố Hà Nội trả lời thỏa đáng các câu hỏi trên của các vị đại diện cho dân trước khi phá đến 6.700 cây xanh Hà Nội.

Lê Chân Nhân

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!