“Quan trọng nhất là con người, văn bản chậm cứ thay người là nhanh hết!”
(Dân trí) - Một câu nói rất đáng chú ý vừa được Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đưa ra ngày 19/5 trong buổi kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH).
Ông Dũng nói: “Quan trọng nhất là con người, văn bản chậm cứ thay người là nhanh hết!”.
Đúng vậy, trong bộ máy Nhà nước hay bất cứ tổ chức nào, con người cũng là yếu tố then chốt và quyết định. Giao đúng người đúng việc, bộ máy sẽ trơn tru, nhưng chỉ cần vướng một vài nơi, một vài nhân tố thì ngay lập tức, bộ máy sẽ vận hành kém đi, thậm chí là ách tắc, trì trệ. Nên hỏng chỗ nào thì phải sửa chỗ đó, mà nhanh nhất là thay hẳn.
Xưa nay vẫn có câu “thêm người, thêm của”. Nhà đông con thì giàu, tổ chức nào đông người làm, đông nhân viên thì phát. Ấy là nói “người làm”, hay “người biết làm”. Trong khi ở ta, bộ máy công chức, viên chức, người hưởng lương Nhà nước lớn, nhưng không phải ai cũng làm nên mới thành ra cồng kềnh, khó quản lý.
Nơi thì nói “30% công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, có chỗ phản ánh “50% công chức ham chơi, chỉ giỏi ngồi bói chữ”. Trong lúc ngân sách khó khăn, thu không đủ bù chi, việc tinh giản bộ máy là điều cần thiết, đến mức cấp bách.
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Nội vụ gửi các đại biểu Quốc hội chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3 sắp diễn ra cho thấy, so với chỉ tiêu phải giảm mỗi năm từ 1,5 - 2% biên chế đến năm 2021 theo nghị quyết của Bộ Chính trị, tương đương khoảng 35.000 - 40.000 người/năm thì kết quả đạt được trong những năm qua chưa năm nào hoàn thành được 1/3. Năm 2016, mặc dù con số bị tinh giản đã tăng gấp đôi nhưng tính ra cũng chỉ đạt 12.000 người.
Giải thích cho tình trạng này, TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho hay, tuy chủ trương, quy định đã có nhiều, nhưng thực tế các bộ, ngành, địa phương không muốn làm hoặc làm cho có.
Bởi một lẽ: “Tâm lý là chỉ muốn tăng chứ không muốn giảm vì nó gắn với lợi ích, sợ đụng chạm. Tinh giản biên chế chỉ quyết liệt ở lời nói thôi chứ làm không được bao nhiêu. Hay nói thẳng ra là nói nhiều làm ít. Thậm chí có ông bộ trưởng, chủ tịch tỉnh nào muốn thực hiện tinh giản, tinh gọn bộ máy thì dễ bị cô lập”.
Cứ sáng mở mắt ra đọc báo là thấy, ở các sở ngành, chuyện dư cấp phó, sếp nhiều hơn lính rất phổ biến. Chưa kể, tâm lý “một người làm quan, cả họ được nhờ”, nên có khi về đến địa phương, đụng đến đâu cũng người nhà của các “sếp”. Thậm chí, có sếp về hưu còn không quên làm những “chuyến tàu vét”, tranh thủ tuyển thêm con cháu, người nhà.
Rồi ngay như mới đây, thiên hạ lại rộ lên chuyện thăng tiến “thần tốc” của hai con gái Bí thư huyện ủy Chư Prông, Gia Lai: Con gái đầu học Cao đẳng Sư phạm loại trung bình khá lên làm Phó ban Tổ chức huyện ủy, con gái thứ tốt nghiệp ngành ngữ văn hiện cũng giữ chức Phó trưởng Phòng kinh tế - hạ tầng của huyện.
Kiểu tuyển dụng “con ông cháu cha” trên tiêu chí “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ” mà nói kiểu gì thì cũng “đúng quy trình”, vậy thử hỏi giảm biên chế bằng cách nào cho hiệu quả! Nên công tác nhân sự, con người là rất quan trọng mà cũng rất…khó, rất nhạy cảm, một vài vụ báo chí, dư luận “khui”, giải trình lên xuống chưa chắc đã xong, chưa kể trăm nghìn vụ việc khác. Nói không chừng, nói giảm nhân sự lại vạ lây sang những “người làm” không thuộc “4-C”, “3-ệ” thì việc giảm cũng chỉ là hình thức mà thôi!
Bích Diệp