Quan tâm hơn đến “khúc ruột” miền Trung
(Dân trí) - Nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay là cần tập trung chăm lo, bảo đảm cuộc sống cho người dân sau mưa lũ, không để người dân thiếu đói, không để người dân không có chỗ ở.
Đây là một trong những nội dung kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với các tỉnh miền Trung mới đây về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và tìm kiếm cứu nạn.
Thủ tướng cho biết, đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp ở địa phương.
Bằng mọi biện pháp phải tiếp cận hỗ trợ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho người dân. Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở được yêu cầu phải rà soát, nắm rõ từng hộ dân, người dân cần được cứu trợ khẩn cấp, chịu trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn, điều phối việc cứu trợ để bảo đảm tiền, hàng cứu trợ trực tiếp đến tận tay người dân.
Những chỉ đạo này tuy ngắn gọn nhưng để thực hiện một cách đầy đủ và chính xác không hề dễ dàng, đặc biệt là việc đảm bảo tiền, hàng cứu trợ trực tiếp đến được tận tay người dân.
Việc loại bỏ những tiêu cực, sai sót trong điều kiện thông thường đã khó huống hồ vào tình huống cấp bách, khẩn trương như hiện tại.
Dù vậy, người viết thiết nghĩ, chúng ta cần có niềm tin.
Trong vòng 20 ngày, khu vực miền Trung phải chống chọi với 4 trận bão liên tiếp, trong đó bão số 9 là cơn bão mạnh nhất 20 năm vừa qua. Trong suốt những ngày bão lũ, trời đổ mưa kéo dài với lượng mưa cao hơn mức lịch sử năm 1999 (theo lời Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Lê Công Thành).
Bão mưa dồn dập như muốn thử sức chịu đựng của người dân miền Trung. Nhưng cũng từ trong thiên tai, chúng ta mới nhận thấy sức mạnh đoàn kết của người dân cả nước đã chung tay quyết không để miền Trung phải chống chọi một mình.
Trong bầu không khí ấy mới thấy tinh thần đoàn kết và sức mạnh của lòng dân. Dẫu cuộc sống vẫn còn nhiều vất vả, bươn chải, trong mỗi con người ai cũng đều có lòng trắc ẩn, yêu thương.
Và cũng là “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Từ bối cảnh thiên tai đó, vai trò của người cán bộ, lãnh đạo địa phương càng bộc lộ rõ. Ai lo cho dân, ai thương dân và ai “có vấn đề” đều rất dễ để nhận ra.
Nếu như có những lãnh đạo xã ở huyện Hương Khê vô tư đi họp đồng hương theo kiểu “Nhà có việc như người ngoài cuộc – Mặc dân lo, du hý trời Nam…!” (như nhận xét của Nhà báo Bùi Hoàng Tám) thì vẫn có những vị lãnh đạo rất trách nhiệm, căng mình ra cùng với dân chống đỡ thiên tai.
Câu chuyện về vị Chủ tịch xã An Thuỷ (Lệ Thuỷ, Quảng Bình) - ông Lê Văn Quyết suốt nhiều ngày cùng lực lượng cứu hộ địa phương dầm mình dưới nước lũ cứu người, sơ tán dân đến nơi an toàn đã gây xúc động mạnh.
Và cá nhân tôi tin rằng, số lãnh đạo đi “du hý” như ở Hương Khê chỉ là thiểu số, không mang tính đại diện. Tôi đặt niềm tin vào những người như ông Quyết và nhiều người khác, rằng còn có nhiều cán bộ thực sự gần dân, lo trước cái lo của dân, vui sau niềm vui của dân.
Nhưng lãnh đạo giỏi không chỉ là lãnh đạo xông pha vào nơi khó khăn nguy hiểm cứu dân, lãnh đạo giỏi còn phải là người kéo dân lên từ hoạn nạn.
Nếu chiếc bánh mì, chai nước lọc, tấm áo phao… mang tính chất “cấp cứu” thì việc vực dậy cuộc sống của dân sau lũ mới thực sự là “hồi sinh”. Nói cho cùng, không ai hiểu dân, biết người dân cần gì bằng cán bộ “cắm” địa bàn. Họ là người hiểu tập quán, hiểu đặc điểm thổ nhưỡng, địa hình… Vậy nên, huy động tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo của cán bộ cấp cơ sở cũng quan trọng không kém so với huy động sự đoàn kết trong nhân dân vậy!
Đất nước tiến lên không chỉ nhờ những cánh chim đầu đàn, mà còn phải quan tâm những cánh chim cuối đàn, để không ai bị bỏ lại. Những thôn bản xa xôi ở miền Trung tựa như cánh chim cuối đàn cần tiếp sức bằng những kế lâu dài. Bởi, dẫu cấp cứu qua đợt bão lũ này thì vẫn còn vô vàn những bão tố chờ họ phía trước.
Họ cần vốn, cần sự chia sẻ về sinh kế, cần sự đồng hành dài lâu của các quỹ, các tổ chức hoạt động vì cộng đồng. Họ cũng cần nhiều hơn những ông Quyết và những lãnh đạo dũng cảm, dám đảm đương…
Xin hãy quan tâm đến miền Trung nhiều hơn nữa, không chỉ là trong bão mưa và lụt lội!