Quá tuyệt vời trí tuệ Việt Nam!

(Dân trí) - Nhiều công trình nghiên cứu đoạt giải Nhân tài Đất Việt lĩnh vực y dược không những được ứng dụng rộng rãi trong nước mà còn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhiều chuyên gia quốc tế đến Việt Nam để học hỏi các kỹ thuật này cũng như các cá nhân được giải thưởng đã được mời đến các nước để chuyển giao kỹ thuật.

Quá tuyệt vời trí tuệ Việt Nam! - 1

Thông tin mà Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) vừa cung cấp mới đây khiến không chỉ những cán bộ, công nhân viên của Báo Khuyến học & Dân Trí, Ban tổ chức Nhân tài Đất Việt, Hội Khuyến học Việt Nam mà bất cứ ai mang trong mình dòng máu Việt cũng cảm thấy nức lòng.

Tính đến nay, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt đã bước sang năm thứ 13. Trong vòng 13 năm qua, với hàng trăm sản phẩm tham dự mỗi năm, đã chứng kiến biết bao tấm gương khởi nghiệp, biết bao ý tưởng sáng tạo từ khắp mọi miền đất nước.

Và như ông Nguyễn Long - Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, Chủ tịch hội đồng từng nói, đến với Nhân tài Đất Việt, không phải cứ phải đạt giải thì mới thu được thành công.

“Nhiều thành viên từng tham dự thi Nhân tài Đất Việt đã rất thành công, trong đó có một thành viên mới được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ. Cách đây không lâu, một cá nhân đạt giải 3 Nhân tài Đất Việt cũng đã trở thành PGĐ trường ĐH Quốc gia TPHCM...”.

Giải thưởng trở thành bước đệm cho rất nhiều nhân tài và chấp cánh cho nhiều ý tưởng bay xa. Nhìn từ Nhân tài Đất Việt, có thể tự hào rằng: “Đất nước ta không hề thiếu người tài!”.

Thế nhưng, có một “nghịch lý” là người tài, người giỏi rất nhiều, Việt Nam lại rất ít think tank được xếp hạng (mới đây nhất có Viện nghiên cứu châu Mỹ lọt Bảng xếp hạng think tank hàng đầu Đông Nam Á do Đại học Pensylvania bình chọn, song vị thứ vẫn khiêm tốn). Nhiều nhân tài do không có đất dụng võ nên sau một thời gian lại chuyển ra sinh sống ở nước ngoài, cống hiến trí lực cho các quốc gia phát triển.

Nguyên nhân thì có nhiều, song chủ yếu vẫn là thiếu kinh phí và thiếu sự quan tâm. Theo báo Nhân Dân ngày 18/8 thì doanh nghiệp Việt mới chỉ chi khoảng 1,6% doanh thu hoạt động hàng năm cho nghiên cứu và phát triển (R&D), thua cả Lào (14,5%) và Malaysia (2,6%).

Còn về phía Nhà nước, dù có rất nhiều viện nghiên cứu, thế nhưng sự hiệu quả lại còn gây tranh cãi. Thậm chí có những giáo sư, phó giáo sư được xét duyệt lại không hề có bài báo ISI/Scopus nào.

Chính vì vậy, cá nhân người viết cho rằng, quan trọng vẫn là sự đồng thuận về nhận thức và sự chung tay của toàn xã hội về “ươm mầm” và “nuôi dưỡng nhân tài”. Mới vài hôm trước, có tin để thực hiện các dự án sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản, mức lương yêu cầu từ các đối tác Nhật để lập dự toán khoảng trên 30.000 USD/tháng/người, chưa kể phụ cấp (tính ra mỗi chuyên gia Nhật được trả gần 700 triệu đồng/tháng).

Đương nhiên, so sánh mức lương đề nghị đó với mặt bằng thu nhập chung ở Việt Nam là quá “chát”, song từ con số đó cũng để thấy rằng, sự trả công cho trí thức của nước bạn là rất đáng nể!

Người tài không phải không có, nhưng người tài cần có môi trường làm việc với đủ trang thiết bị, sống được với tài năng, năng lực của mình. Bởi nhân tài là “nguyên khí của quốc gia” nên chẳng phải nhận diện và đánh giá đúng vai trò của “nhân tài”, cần đặt họ đúng chỗ, để họ không phải “luồn cúi” trước bất cứ 4C hay 5 “ệ” nào mà được toàn tâm, toàn ý cống hiến cho đất nước, cho xã hội. Trước khi là “con hổ” hay “con rồng” khu vực, Việt Nam phải là “bến neo đậu” của nhân tài!

Bích Diệp