Có nên dừng phát ấn Đền Trần?

(Dân trí) - Câu chuyện có nên phát ấn đền Trần hay không lại tiếp tục được dư luận đặt ra cho năm 2018 dù nó không mới bởi cách đây 7 năm (2011), việc này đã được đặt ra khá nghiêm túc tại một cuộc Hội thảo khoa học do Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam tổ chức.


(Biếm họa trên báo Pháp luật TP HCM)

(Biếm họa trên báo Pháp luật TP HCM)

Cách đây ít lâu (2/2017), ĐB Dương Trung Quốc cũng đã từng có ý kiến đề nghị tạm dừng việc làm này: "Trong thời buổi ngày nay, chúng ta xây dựng Nhà nước, bộ máy công quyền liêm chính thì càng phải dập tắt ngay từ trong gốc ý nghĩ muốn thăng tiến thì chỉ có con đường đi cầu cúng, mua quan bán chức… Tôi ủng hộ tạm dừng lại việc khai ấn, phát ấn đền Trần".

Vậy mà giờ đây, lại tiếp tục được đặt ra chứng tỏ nó vẫn là câu hỏi bức xúc.

Lý do thời gian gần đây, càng ngày việc phát ấn càng không còn mang đúng ý nghĩa như nó đã từng tồn tại hàng trăm năm qua. Đó là từ xin ấn lấy lộc, lấy may, nó trở thành miếng đất màu mỡ, mang không ít yếu tố kinh doanh, lợi nhuận của thương trường.

Về hành vi xin ấn, nó thực sự trở thành tranh cướp, mua bán bằng cách này hay cách khác.

Về ý nghĩa, nó kích thích ham hố quan trường trong dân chúng dù mong muốn quan trường không phải là xấu. Thậm chí, là rất tốt nếu xác định làm quan là để phục vụ, cống hiến cho nước, cho dân. Sẽ là ngược lại, nếu việc làm quan là để mang lại lợi lộc cho bản thân, gia đình và người thân kiểu “Một kẻ làm quan, cả họ được nhờ”.

Theo người viết bài này, những người “cướp” ấn đền Trần về cơ bản gồm những người sắp có chức tước hay đang có chức nhưng mong muốn có vị trí cao hơn nữa hoặc có chức tước nhưng chưa chắc chắn, có thể bị đe dọa, lung lay.

Thứ nữa là những người chả có chức tước gì (và chắc chắn chả bao giờ có) cũng mơ chức tước. Đây là cái bệnh của không ít người Việt có tên là “Bệnh hám quan”.

Thực tế cho thấy, đã có không ít kẻ làm ăn bất chính suốt ngày cầu cầu, cúng cúng, xin xin, xỏ xỏ hết đền này, phủ nọ nhưng chả thần thánh nào “thương” bởi sau đó, cánh cửa nhà tù vẫn mở ra với họ.

Nhớ có lần đi Đền Trần, mấy anh em vào đặt lễ ra lâu lắm rồi nhưng có một chú vẫn chưa ra. Chú này tính tốt, có năng lực nên mới ngoài ba mươi tuổi đã là vụ phó. Lúc ra, thấy mồ hôi nhễ nhại, tôi kéo ra một góc, hỏi:

- Chú cầu hơi kỹ đấy. Mà chú cầu gì cầu lâu thế? - Dạ, em cầu tiến bộ - Thôi chết, chú làm thế là phạm thượng đấy - Em có làm gì xấu đâu…? - Sao lại không xấu? Chú cầu chú tiến bộ, đúng không? - Dạ, vâng – Cầu tiến bộ tức là thăng quan, tiến chức, đúng không? - Dạ…! – Thế này nhé. Chú thăng chức thì ông anh vụ trưởng của chú đi đâu? Về hưu thì chưa đến tuổi. Lên thứ trưởng thì không thuộc diện qui hoạch. Có mỗi cái ghế đó chú đòi tiến bộ để ngồi mất thì bác ấy kê dép ngồi xuống đất à? - Anh đừng nói gì nhé… Sếp hiểu nhầm là chết em đấy. Cu cậu lắp bắp, mặt tái dại hẳn đi.

Trở lại với câu hỏi nên hay dừng phát ấn Đền Trần, người viết bài này xin trích một câu trong tác phẩm “Chúng ta đang bỏ quên ngôi chùa thiêng nhất – NXB Hội Nhà văn 2010” của Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam:

“Ngôi đền hay ngôi chùa thiêng nhất chính là ngôi đền, ngôi chùa dựng trong lòng người. Vậy mà chúng ta đã bỏ quên những ngôi đền, ngôi chùa thiêng nhất ấy. Khi lòng không yên thì sống giữa đền, giữa chùa cũng không thấy yên. Khi lòng không từ bi thì quỳ dưới chân Thần Phật trong tiếng mõ, tiếng chuông…lòng vẫn ác”.

Còn người viết bài này mong ước rằng lễ Minh thệ (hội thề không tham nhũng) được tổ chức tại thôn Hoà Liễu, xã Thuận Thiên (Kiến Thụy, Hải Phòng) trở thành Di sản quốc gia, năm nay tấp nập quan chức chứ không đìu hiu, quạnh quẽ như những năm qua.

Bùi Hoàng Tám