Phân hạng đạo đức - đừng làm tổn thương nhà giáo
(Dân trí) - "Trên đời này có nhiều thứ đáng chia lắm cho thầy cô nhưng đạo đức thì không", anh bạn của tôi là cán bộ quản lý giáo dục đã thốt lên như thế…
Từ ngày 20/3, các thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường công lập chính thức có hiệu lực. Với các thông tư này, bên cạnh phân hạng chức danh nghề nghiệp của nhà giáo thành các hạng I, II và III, Bộ GD&ĐT cũng chia đạo đức nhà giáo thành 3 hạng tương ứng; nhà giáo ở thứ hạng cao sẽ có yêu cầu cao hơn về đạo đức nghề nghiệp.
Chùm thông tư này đã khiến nhiều thầy cô không khỏi băn khoăn.
Theo ông Đặng Văn Bình - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT thì chỉ có một tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo thống nhất cho giáo viên ở các hạng. Nhưng ở hạng cao hơn, sẽ có một yêu cầu về mức độ thực hiện khác nhau.
Hiểu nôm na, việc phân hạng đạo đức nhà giáo theo từng hạng chức danh nghề nghiệp nhằm đưa ra các tiêu chí cụ thể để mỗi giáo viên tự "rèn" bản thân, đồng thời tăng tính chịu trách nhiệm của từng cá nhân và cả tập thể để ngăn ngừa những vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo, gây phẫn nộ dư luận như thời gian qua.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói "nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý". Câu nói đó là trở thành kim chỉ nam, là hành trang mang theo của mỗi người thầy đứng trên bục giảng. Và là "nghề cao quý nhất" nên đương nhiên, mỗi giáo viên phải luôn tự ý thức được sẽ phải làm gì, làm như thế nào để xứng đáng với nghề, với sự tin tưởng của phụ huynh và học sinh, bao gồm cả chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức.
Bộ GD&ĐT cũng đã và đang đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Mỗi nhà giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo". Có nghĩa là nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ luôn được song hành với việc tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức". Nội dung cuộc vận động này đã trở thành khẩu hiệu treo trong từng lớp học để nhắc nhở đội ngũ nhà giáo làm sao để xứng đáng với "nghề cao quý nhất" mà họ đang đeo đuổi.
Sách giáo khoa Giáo dục công dân 10, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nêu khái niệm đạo đức "là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực xã hội mà nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng, của xã hội".
Đối với nhà giáo, phạm trù đạo đức đã được quy định rõ trong quy định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ban hành vào năm 2008 và cụ thể hóa tại điều 69, Luật Giáo dục 2019. Bên cạnh việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, các thầy cô giáo phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo.
Nói vậy để thấy rằng đạo đức nghề nghiệp, trong đó có đạo đức nhà giáo là một quá trình phấn đấu, tu dưỡng và gìn giữ. Ngoài việc bị ràng buộc bởi các quy định là ý thức phấn đấu, hoàn thiện bản thân của mỗi cá nhân gắn với nhiệm vụ công tác cụ thể. Đương nhiên, ở vị trí càng cao, cần phải nêu gương và mẫu mực trong công tác, trong cuộc sống, trong ứng xử với đồng nghiệp.
Trở lại với chùm thông tư mới của Bộ GD&ĐT, với việc phân hạng sẽ có những giáo viên có "đạo đức hạng 1", những giáo viên "đạo đức hạng 2", giáo viên "đạo đức hạng 3".
Vậy, giáo viên đạo đức hạng nào thì sẽ được phân công dạy đối tượng học sinh nào? Có ai dám chắc sẽ không xảy ra tình trạng "chạy nâng hạng đạo đức"?
Nâng cao năng lực chuyên môn, tu dưỡng đạo đức, hoàn thiện bản thân là yêu cầu và trách nhiệm của mỗi nhà giáo. Việc phân hạng rõ ràng sẽ gây tổn thương chính các giáo viên. Bởi lẽ, chẳng ai có thể vui vẻ gì khi mình ở hạng đạo đức thấp hơn so với đồng nghiệp, trong khi các tiêu chuẩn nghề nghiệp có thể xác định một cách khách quan qua các cuộc thi, các chứng chỉ... Còn đạo đức, lấy gì để đong đếm?
Thay vì mang đạo đức của nhà giáo ra chia hạng để so cao, thấp, hãy tạo ra một môi trường giáo dục tốt để họ có thể yên tâm tận hiến cho sự nghiệp trồng người.