Phẩm chất của chính quyền

(Dân trí) - Một chính quyền mà các cá nhân dám nhận lỗi với dân khi làm sai thì đó mới là chính quyền của dân, do dân, vì dân. Một chính quyền mà các cá nhân dám xin lỗi dân, lắng nghe dân và tích cực sửa đổi thì đó mới là chính quyền thực sự mạnh.

Phẩm chất của chính quyền
(Minh họa: Ngọc Diệp) 
 
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hôm  2/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu rà soát lại 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, nếu giải quyết sai phải nhận lỗi, nếu không sai, phải làm hết cách để thuyết phục nhân dân, còn trường hợp không thuyết phục được thì cưỡng chế, nhưng phải đúng pháp luật

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu nhận lỗi với dân khi làm sai không chỉ trong việc giải quyết khiếu nại tố cáo, mà phải hiểu rộng ra ở mọi công việc thuộc phạm vi trách nhiệm của chính quyền.

 

Chính quyền nhận lỗi với dân quả thực là điều hiếm thấy. Lâu nay, người ta vẫn nói cán bộ là công bộc của dân, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Dân tới cửa quan nhọc nhằn vô cùng, khổ ai vô biên. Người xưa đã có câu: “Miệng nhà quan có gang có thép”, nói lấy được, việc nhà quan làm dù sai dân cũng không dám mở miệng. Hạch sách, nhũng nhiễu, vòi vĩnh người dân, doanh nghiệp là chuyện thường ngày nơi công sở.

 

Chính quyền là vô hình, ông đứng đầu chính quyền mới hữu hình. Chưa thấy ông đứng đầu nào tập hợp dân ở địa bàn mình lại nhận lỗi với dân, xin lỗi dân vì để xảy ra kẹt xe, ngập nước, tai nạn giao thông. Chưa thấy ông đứng đầu nào đứng ra nhận lỗi vì tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, vì để cho bệnh nhân nằm ba bốn người một giường. Chưa thấy người đứng đầu nào đứng ra nhận lỗi vì nạn bằng giả lan tràn, tiến sĩ dỏm như rươi. Cũng chưa  thấy người đứng đầu nhận lỗi dân vì không giải quyết đúng các khiếu kiện, để dân phải khổ sở, khiếu kiện kéo dài, vượt cấp và bị cưỡng chế oan sai. Điển hình như vụ Tiên Lãng, Thủ tướng kết luận chính quyền sai rành rành như vậy nhưng có ông nào đứng ra xin lỗi với dân đâu.

 

Nhận lỗi thế nào đây, không phải chỉ là lời nói suông mà phải đi liền với các cam kết sửa đổi, nếu không thực hiện được thì phải từ chức. Đó mới là sự nhận lỗi có trách nhiệm và có nhân cách của một người đứng đầu.

 

Người đứng đầu cơ quan chính quyền có phẩm chất mới dám xin lỗi dân. Phẩm chất của các cá nhân trong chính quyền làm nên phẩm chất của chính quyền.

 

Một chính quyền mà các cá nhân dám nhận lỗi với dân khi làm sai thì đó mới là chính quyền của dân, do dân, vì dân. Một chính quyền mà các cá nhân dám xin lỗi dân, lắng nghe dân và tích cực sửa đổi thì đó mới là chính quyền thực sự mạnh.

 

Chính quyền quản lý xã hội hịêu quả, thân thiện với dân, được nhân dân tin yêu thì không cần một câu khẩu hiệu nào dân cũng tin. Ở vào thời đại mà chỉ cần cái click chuột thông tin đến tận thôn cùng xóm vắng thì ai vì nước vì dân, ai vì mình, ai có phẩm chất đạo đức, ai vun vén cá nhân, nói lời đạo đức giả, dân biết hết, thấy hết.

 

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!