Phải chăng tiếng "chuông nguyện hồn ai" đã gióng lên?
(Dân trí) - Lan đột biến có thể nhân giống vô tính và một chủ vườn lan đã ôm hàng trăm tỉ đồng bỏ trốn. Đó là thông tin mới nhất được Dân trí đăng tải về thị trường sôi động này.
Về thông tin thứ nhất, PGS.TS Nguyễn Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả - Một trong những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực hoa, cây cảnh ở Việt Nam cho biết, công nghệ nhân giống lan đột biến thực ra tương đối đơn giản, không hề cầu kỳ và phức tạp.
Theo đó, chỉ cần đưa lan vào nuôi cấy đúng cách, thì thậm chí chỉ trong vài tháng, các cơ sở nuôi cấy mô có thể đưa ra thị trường được hàng vạn, thậm chí hàng triệu cây lan đột biến giống y chang kiểu dáng mỹ miều của các dòng bố/mẹ.
Hiểu theo một nghĩa khác, những giá trị "độc", "hiếm", và mức giá tiền tỷ từ cây lan đột biến được chủ vườn "thần thánh hóa" hoàn toàn có thể trở nên rất ít giá trị nếu như giống cây đó được bán rộng rãi trên thị trường.
Thông tin thứ hai, ngày 13/4 vừa qua, Công an huyện Ứng Hòa đang phối hợp các đơn vị chức năng Công an Hà Nội xác minh thông tin do 3 cá nhân trình báo đã chuyển cho chủ vườn lan khoảng 11 tỷ đồng để mua lan đột biến nhưng đến ngày giao cây thì không liên lạc được với chủ vườn.
Tuy nhiên, cộng đồng chơi lan đột biến rộ thông tin chủ vườn lan này đã "ôm" tới 200 tỷ đồng của khách chứ không chỉ có 11 tỷ đồng như trình báo.
Về việc này, cách đây hơn 6 tháng (8.2020), Blog Dân trí đã cảnh báo và phân tích rất rõ về thị trưởng ảo này.
Ở đời, thường là muốn quý thì phải hiếm. Đến quý như không khí, người ta có thể nhịn ăn 3 tuần, nhịn uống ba ngày, song không mấy ai nhịn thở được 3 phút. Thế nhưng, do không hiếm nên cũng không cảm thấy quý.
Trong khi đó, loại lan này được nhân giống trong thời gian rất ngắn. Với sự phát triển của kỹ thuật canh nông hiện nay, chuyện đó càng "dễ như trở bàn tay".
Liệu mấy người dám bỏ ra vài tỉ đồng để mua một cây hoa chăm sóc 365 ngày chỉ để ngắm hoa vài ba tuần là tàn? Nếu có, con số đó là vô, vô cùng hiếm. Đó là chưa kể nếu không may cây chết thì có mà đi tong cơ nghiệp.
Cũng đừng nghĩ các đại gia họ dễ ném tiền ra bởi đồng tiền nào cũng là mồ hôi, nước mắt và các đại gia họ chi tiêu luôn có tính toán.
Làm giàu khó lắm. Tiền hiếm lắm. Nó không phải là lá rụng mùa thu bên bờ hồ Hoàn Kiếm, chỉ việc vác chổi ra mà quét. Mà nếu có như lá thì việc "quét" chắc gì đến lượt mình?
Câu hỏi đặt ra là dù đã được cảnh báo như vậy, song thị trường này vẫn sôi động? Lý do, có lẽ không gì khác bởi thực tế, đã có một số người giàu lên nhờ việc buôn bán này khiến nhiều người vẫn lao vào dù biết rằng cuối cùng, nó sẽ vỡ trận.
Người xưa có câu "Sao Chổi chết bởi đằng chuôi - Ý nói là người đi sau cùng sẽ gặp nạn". Phải chăng vì thế, dù biết nhưng không ít người vẫn tin rằng mình sẽ không phải là người cuối cùng nên cuộc hành trình ảo này vẫn chưa chấm dứt?
Có thể giờ đây, sau cuộc "tháo chạy" của chủ vườn lan nói trên, tiếng "chuông nguyện hồn ai" đã bắt đầu gióng lên hối hả?