Ông Trưởng ban Tổ chức Lê Thành Nhân và tài “tổ chức” chữ nghĩa!
(Dân trí) - Đọc những lời giải trình, khá khen cho bác Trưởng ban Tổ chức Nhân ở tài “tổ chức” chữ nghĩa...
Chuyện bằng giả ở ta không hiếm. Không, phải nói là rất phong phú mới đúng. Về bản chất, bằng giả chỉ có một nghĩa, tức là gian dối lý lịch. Thế nhưng nó biểu hiện dưới nhiều hình thức, từ không học, không thi nhưng vẫn có bằng cho đến bằng mua và bằng.. mượn.
Theo Nhà báo Phạm Tâm của báo Dân trí, Tỉnh ủy Hậu Giang vừa phát hiện ra một bác Trưởng Ban tổ chức Thành ủy xài bằng “mượn”.
Bác Trưởng ban có tên là Lê Thành Nhân đã “mượn tạm” cái bằng Trung học cơ sở (cấp II) của người cùng họ, cùng tên, chỉ khác mỗi tên đệm là Hoàng (Lê Hoàng Nhân) để theo học hệ Bổ túc phổ thông nhằm “nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ” như lời giải trình của ông Nhân với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hậu Giang.
Cũng theo lời giải trình của ông Nhân được ông Nguyễn Văn Y, Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Tỉnh ủy Hậu Giang cho phóng viên Dân trí biết thì việc “mượn” này chỉ là “do suy nghĩ chưa đến nơi đến chốn, cứ nghĩ “mượn” bằng cấp 2 là đơn giản” còn việc kỉ luật vẫn “đang đợi tập thể biểu quyết”.
Đọc những lời giải trình, khá khen cho bác Trưởng ban Tổ chức Nhân ở tài “tổ chức” chữ nghĩa. Việc bác lấy bằng của người khác, đem về dùng cho cá nhân, lại không hoàn trả (tất nhiên vì bằng phải lưu trong hồ sơ, lý lịch) được “tổ chức” thành từ… mượn, một hình thức dùng xong phải đem trả lại thì “tài đến thế là cùng”.
Rồi khi lấy của người khác về dùng, tức gian dối lý lịch với tổ chức, bác lại còn ngụy biện rằng bởi… “suy nghĩ chưa đến nơi, đến chốn”.
Chết thật! 44 tuổi rồi, làm đến chức Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy rồi mà còn “suy nghĩ chưa đến nơi, đến chốn” thì nguy thật.
Nguy, không phải cho cá nhân bác mà nguy cho cả cái hệ thống tổ chức của địa phương này.
Lý do, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy là một chức rất to, rất quan trọng. Đây là nơi có quyền quyết định cho các việc về tổ chức như đề bạt, bổ nhiệm, cất nhắc, điều chuyển cán bộ, xem xét việc phát triển Đảng trong địa bàn phụ trách...
Tóm lại, đây là một chức vụ có trách nhiệm “sàng lọc” nên rất cần sự trung thực. Tuyệt nhiên không có chuyện gian dối dù là rất nhỏ bởi nó không chỉ có tác động đến các công việc trên mà còn ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức.
Một khi vị Trưởng ban Tổ chức xài bằng giả, giả sử gặp trường hợp tương tự được đề nghị cất nhắc, bổ nhiệm chẳng hạn, liệu ông Trưởng ban có đủ “can đảm” để gạch bỏ họ? Nếu gạch bỏ họ thì ông có … “áy náy” bởi như các cụ nói “Chân mình có… lại đem bó đuốc mà rê chân người”.
Còn nếu nghĩ nó “đơn giản” thì ôi thôi, sẽ biến nơi đây thành “thánh đường bằng giả” bởi hiện tượng này đã và đang trở thành “đại dịch” tầm… quốc gia.
Những vụ án làm và mua bán bằng giả gần đây liên tục bị lực lượng công an phá bởi đó là “thị trường màu mỡ”. Mà ở đời, có cung thì ắt có cầu.
Điều khá ngạc nhiên là trong khi khuyết điểm đã quá rõ ràng thì cho đến nay, việc xử lý vẫn “đang chờ tập thể biểu quyết”.
Ơ! Thế lỡ “tập thể biểu quyết” với hình thức cho qua hoặc “phê bình, rút kinh nghiệm” thì sao nhỉ? Vì thế, có lẽ nên đặt một mức hình phạt cụ thể cho việc làm sai trái này, thậm chí có thể cách chức hoặc hơn nữa để răn đe đồng thời cũng là cơ sở để khỏi phải “chờ tập thể niểu quyết” như hiện nay.
Cách đây không lâu, TBT Nguyễn Phú Trọng đã nói tay nhúng chàm không thể chống tham nhũng, tiêu cực. Cho nên còn chần chừ gì nữa mà Hậu Giang không xử lý ngay lập tức vị trưởng ban “nhúng chàm” này nhỉ?
Bùi Hoàng Tám