“Ông Táo” của Bộ Nội vụ sẽ báo cáo Ngọc Hoàng thế nào nhỉ?

(Dân trí) - Ngày mai đã là 23 tháng chạp, không biết Bộ Nội vụ có kịp để “thanh toán khúc mắc” trước 12 giờ trưa hay không? Và nếu không, chả biết “Táo Nội vụ” sẽ báo cáo với Ngọc Hoàng thượng đế như thế nào về “món nợ” này?

“Ông Táo” của Bộ Nội vụ sẽ báo cáo Ngọc Hoàng thế nào nhỉ? - 1

Chiều 5/2, Ban Bí thư họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quyết định kỷ luật ông Lê Phước Thanh bằng hình thức cách chức Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Đây là thông tin được nhiều người dân chờ đợi và một lần nữa, tiếp tục khẳng định sự nghiêm minh, quyết liệt công cuộc phòng chống tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ của Đảng.

Có thể nói, cho đến thời điểm hiện tại, vụ việc xử lý ông Lê Phước Hoài Bảo và ông Lê Phước Thanh được tiến hành nhanh chóng, nghiêm túc, được người dân đồng tình, ủng hộ.

Song, vẫn còn một câu hỏi xin gửi về Bộ Nội vụ. Đó là hình thức xử lý đối với kết luận của đoàn kiểm tra do Thứ trưởng Trần Anh Tuấn vẫn còn để ngỏ.

Cụ thể, khi việc bổ nhiệm trái qui định của ông Lê Phước Hoài Bảo được báo chí phanh phui, Bộ Nội vụ đã cử đoàn thanh tra do Thứ trưởng Trần Anh Tuấn dẫn đầu vào làm việc với tỉnh Quảng Nam. Sau đó cho kết luận, việc bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo là “đúng qui trình”.

Thế nhưng sau đó, UB Kểm tra Trung ương kiểm tra và kết luận việc bổ nhiệm này là sai trái. Khi trả lời phỏng vấn trên báo Pháp luật TP HCM, bài “Giám đốc sở 30 tuổi, Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn lại nói 'có hiểu lầm” của báo chí. “Trong quá trình trả lời miệng, văn nói có thể chưa chuẩn xác, gây hiểu lầm”. Ông Tuấn nói.

Song, đã không có sự hiểu lầm vì những phát biểu này còn lưu lại trên nhiều clip. Báo Người Lao động ngày 19/12, bài “Clip Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nói bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo "đúng quy trình" đã cho đăng lại đọan clip dài 3 phút những gì ông Tuấn nói.

Tóm lại, kết luận “đúng qui trình” của Thứ trưởng Tuấn là sai, là không đúng sự thật.

Vậy câu hỏi đặt ra, vì sao lại có kết luận “trái khoáy” này?

Theo người viết, ở đây có lẽ chỉ có ba khả năng. Một là thiếu trách nhiệm, làm việc quấy quá, qua loa cho xong việc. Đây là điều không thể chấp nhận bởi ăn lương của Dân, được Đảng tin tưởng mà làm ăn như thế thì quá tắc trách nên cần có hình thức kỉ luật nghiêm khắc.

Hai là năng lực yếu. Nếu vậy, cần phải xem xét lại vị trí công tác bởi Thứ trưởng là lãnh đạo bộ, tức là “phó tư lệnh” một ngành nên không thể chấp nhận những người yếu kém về năng lực.

Thứ ba là có sự “nâng đỡ không trong sáng”. Nếu như có động cơ này thì mức kỉ luật phải nghiêm khắc nhất bởi cũng vì sự “nâng đỡ không trong sáng” này mà một Phó Chủ tịch tỉnh (chức vụ cũng tương đương) vừa bị cách mọi chức vụ, bãi nhiễm Hội đồng nhân dân.

Tóm lại, dù với bất cứ lý do gì thì dứt khoát Thứ trưởng Tuấn không thể không có trách nhiệm.

Tiếc rằng cho đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa thấy bất cứ sự “động tĩnh” gì từ Bộ Nội vụ. Trong khi, Bộ Nội vụ là cơ quan cấp cao giúp Đảng và Nhà nước về công tác nhân sự, trong đó có khen thưởng, kỉ luật.

Việc vi phạm của chính một lãnh đạo Bộ Nội vụ mà không được Bộ xử lý nghiêm, rất khó để nói các bộ, ngành và địa phương chứ đừng nói là “làm gương” cho các nơi khác.

Người Việt ta có phong tục mọi nợ nần, khúc mắc trong năm cần giải quyết dứt điểm trước ngày ông Táo chầu trời để báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng đế.

Ngày mai đã là 23 tháng chạp, không biết Bộ Nội vụ có kịp để “thanh toán khúc mắc” trước 12 giờ trưa hay không? Và nếu không, chả biết “Táo Nội vụ” sẽ báo cáo với Ngọc Hoàng thượng đế như thế nào về “món nợ” này?

Chịu!

Song, dù thời gian rất gấp nhưng cũng mong rằng Bộ Nội vụ nên “thanh toán nợ nần” trước thềm năm mới cho năm mới cho công việc hanh thông, xứng với sự nghiêm minh của Ban Bí thư trong xử lý vụ việc này và để nhân dân tin tưởng, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám