"Ông sân sau" và chuyện tụt hạng môi trường kinh doanh

(Dân trí) - Tuần trước, câu chuyện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu: "Có ông (doanh nghiệp nhà nước) có tới 13-14 công ty sân sau. Đừng tưởng Thủ tướng không biết" sẽ khiến không ít người liên tưởng tới những nguyên nhân khiến Việt Nam mới đây bị giảm bậc trong xếp hạng môi trường kinh doanh.

"Ông sân sau" và chuyện tụt hạng môi trường kinh doanh - 1

Cụ thể, tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty, chủ trì cuộc họp trên, Thủ tướng nói: "Tôi muốn nói là có ông (DNNN) không chỉ 1 sân sau mà còn 2-3 sân sau, thậm chí là 12-13, 13-14 sân sau. Có ông có đầy đủ bao nhiêu sân sau buôn bán nguyên vật liệu. Tôi khẳng định không phải là Thủ tướng không biết đâu”

Hầu như bất cứ tờ báo nào cũng đã đưa câu chuyện trên, ngay trong tựa đề các tin, bài hôm đó. Thực ra, ai cũng có thể biết rằng, tình trạng lãnh đạo DNNN có các công ty "sân sau" để lợi dụng, tranh thủ khai thác các hợp đồng, dịch vụ có lợi ích riêng cho mình là chuyện không hiếm. Nhưng nếu có những lãnh đạo DNNN có tới 13-14 "sân sau" như Thủ tướng nêu thì quả thực, người đứng đầu Chính phủ đã rất sâu sát, nắm rõ tình trạng này.

Có nhiều độc giả đã đặt ngay câu hỏi: Thủ tướng biết, vậy Thủ tướng sẽ xử lý thế nào?. Đương nhiên, khi nắm rõ tình trạng trên, người đứng đầu Chính phủ sẽ có giải pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm những người vi phạm mà ngay tại hội nghị trên, ông đã có cảnh báo nghiêm khắc với các đại diện lãnh đạo DNNN tham dự hội nghị.

Với tình trạng có những người quản lý ở các DNNN, nhất là ở các Tập đoàn, Tổng công ty có qui mô vốn, tài sản nhà nước rất lớn có không chỉ một mà nhiều "sân sau", thì môi trường kinh doanh tất nhiên sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Một thông tin đáng chú ý là ngày 31.10.2018, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo xếp hạng môi trường kinh doanh mới, theo đó, năm 2018, môi trường kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 69 trên tổng số 190 nền kinh tế. Như vậy, so với năm trước, Việt Nam đã bị tụt một bậc trên bảng xếp hạng thuộc loại uy tín nhất của các tổ chức quốc tế về đánh giá về những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các quốc gia.

Tụt một bậc không phải là quá nhiều nhưng đó là chỉ dấu đáng phải xem xét trong bối cảnh, mấy năm qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm các giấy phép con, thủ tục thuế, hải quan...

Tất nhiên, việc giảm thứ hạng trên có nhiều nguyên nhân. Trong khi Việt Nam cải cách môi trường kinh doanh thì nhiều nước cũng cải thiện mạnh mẽ và có thể họ cải cách mạnh hơn ta thì ta bị thua một bậc. Nhưng quả thật, tình trạng còn nhiều lãnh đạo DNNN có các công ty sân sau và có thể không chỉ DNNN mà cán bộ, công chức ở một số bộ, ngành cũng có "sân sau" để tận dụng những sơ hở chính sách, tận dụng ưu đãi, tận dụng vị trí làm việc của mình để làm việc riêng, hưởng lợi cá nhân chắc chắn có những ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường kinh doanh.

Do đó, sau phát biểu trên của Thủ tướng Chính phủ, người dân, cộng đồng doanh nghiệp cũng sẽ chờ đợi những hoạt động chỉ đạo, xử lý cụ thể để chấn chỉnh, "dẹp" tình trạng công ty "sân sau" của lãnh đạo, cán bộ khối DNNN. Những "ông" ngồi ở vị trí Chủ tịch, Tổng giám đốc, Trưởng phòng ban... các tập đoàn, tổng công ty lớn về xăng dầu, than, điện, xây dựng, khoáng sản... để vợ, con, người nhà điều hành đến cả 13-14 công ty riêng, đúng lĩnh vực các ông quản lý, thì người dân, doanh nghiệp khác, ai làm ăn gì được nữa vì của nhà các ông cả.

Bởi hiển nhiên, các "sân sau" của họ sẽ được ưu tiên mua rẻ, bán đắt hàng hóa, dịch vụ của DNNN đó, được ngấm ngầm chỉ định thầu hay ưu ái trong xét thầu mà không một doanh nghiệp tư nhân nào bên ngoài có thể cạnh tranh nổi.

Mạnh Quân