Ông lão vườn đào
(Dân trí) - Ngày tôi còn bé, nhà tôi không bao giờ cắm hoa đào trong những ngày Tết. Thường thì ba ngày Tết, trong nhà sẽ có một lọ nhỏ hoa thược dược, thi thoảng sang hơn thì cắm kèm với hoa violet, năm nào cũng vậy.
Khi tôi học lên tới cấp hai thì nhà tôi bắt đầu có hoa đào trong nhà - những ngày sau Tết, chừng mùng 5, mùng 6, khi chợ đã bắt đầu họp trở lại và có những người mang những cành đào nhỏ xíu đi bán. Khi ấy tôi đã hỏi mẹ: “Mẹ ơi, vì sao hết Tết nhà mình mới mua hoa đào?” và câu trả lời của mẹ là: “Vì hoa bây giờ rẻ hơn con ạ.”
Vậy là trong nhiều năm liên tiếp, nhà tôi luôn cắm hoa đào trong nhà từ ngày mùng 5, mùng 6 Tết, tôi đã hình thành thói quen theo mẹ ra chợ chọn mua hoa đào trong những ngày này. Tôi còn quá nhỏ để hiểu rằng nhà nghèo, không thể mua một cành đào để trưng trong ba ngày Tết mà chỉ có thể mua một cành hoa đào bé xíu vào những ngày sau Tết, khi mà giá một cành đào lúc đó chỉ bằng vài bông hoa hồng.
Sau này, khi tôi lớn hơn, hoàn cảnh gia đình tôi đã khá hơn và vào mỗi dịp Tết, nhà tôi đã có thể có một cành đào cắm trong phòng khách, thế nhưng tôi vẫn giữ thói quen ra chợ mua hoa đào về cắm trong nhà, khi tờ lịch đã sang ngày mùng 5 của năm mới.
Có một năm, hôm ấy là mùng 8 Tết, tôi và đám bạn thân rủ nhau sang vườn đào ở Quảng Bá để chụp ảnh. Chúng tôi đã bắt gặp một ông lão đang lom khom cắt nốt những cành đào phai nhỏ xíu, trong khoảng vườn cũng nhỏ xíu của ông. Không thể cầm lòng trước những nụ hoa xinh đẹp đó, tôi chạy vào vườn, hỏi mua đào. Ông lão rất mừng, nói: “Đào năm nay nở sớm, Tết này ông chẳng bán được bao nhiêu mà vẫn còn những cành này, dáng xấu… chẳng ai mua. Gặp khách thế này, mừng quá.”
Nhìn ông lão gầy gò mặc bộ quần áo cũ mỏng manh đứng trong gió lạnh, tôi muốn mua hết những cành đào trong vườn ông nhưng tôi chẳng có đủ tiền. Cuối cùng tôi vét túi mua 5 cành đào, những cành đào nhỏ thôi nhưng nụ to và bắt đầu nhú mầm xanh rất đẹp. Khi tôi đã chào ông và đi khỏi một đoạn bỗng nhiên nghe tiếng gọi: “Cháu ơi”, tôi quay lại thì thấy ông lão đứng đó, tay cầm mấy cành đào, ông nói: “Tặng cháu nhân dịp xuân mới, chắc cháu thích hoa đào lắm thì mới mua liền 5 cành hoa vườn nhà ông như vậy. Hẹn gặp cháu năm sau nhé.”
Liền 6 năm sau đó, Tết nào tôi cũng tới vườn đào của ông, mua đào sau Tết và được ông “tặng” thêm khế và ổi trái mùa. Mỗi năm gặp ông lão, tôi lại thấy tóc ông bạc hơn, lưng còng hơn nhưng nụ cười ấm áp và ánh mắt đôn hậu thì vẫn vậy.
Sau này, khi tôi học xong đại học, gia đình tôi chuyển vào TPHCM sinh sống, mỗi khi Tết đến tôi nhớ quay quắt cái lạnh Hà Nội, những nụ hoa đào hồng thắm rực sức xuân làm tôi thấy ấm lòng khi ngắm chúng và nhớ cả nụ cười phúc hậu của “ông lão vườn đào”.
Và rồi tôi cũng có dịp để quay lại Hà Nội đón Tết. Một trong những việc đầu tiên mà tôi làm khi trở ra Hà Nội là tìm lại “ông lão vườn đào” nhưng khi tôi tới con đường ấy, tôi không còn nhận ra khu vườn ngày xưa. Tất cả đã là một bãi đất trống, san phẳng và nghe đâu, người dân nơi đây đã phải “nhường đất” cho những dự án xây dựng.
Vườn đào ngày xưa đã không còn nhưng những mùa xuân muộn và “ông lão vườn đào” vẫn là cả một vùng ký ức đẹp mà tôi không thể nào quên.
Thu Hằng