Ông Làm và ông Quyền bàn chuyện tinh giản biên chế
(Dân trí) - Đến năm 2021, TPHCM tinh giản biên chế 14.000 người, một con số khá “lý tưởng”. Tuy nhiên, kế hoạch là một việc, còn làm được hay không, làm tới đâu lại là chuyện khác.
Dân gian có câu “đường sữa phát từ trên xuống, cuốc xẻng phát từ dưới lên”, e rằng nếu giảm biên chế theo tỉ lệ 10% thì người có chức vụ, có thân thế trụ lại được, còn cán bộ công chức quèn, cô thân cô thế sẽ đội nón ra đi. Nhưng ông Lê Văn Làm – Phó giám đốc Sở Nội vụ TPHCM khẳng định với báo chí: “Nếu anh là giám đốc, phó giám đốc các sở, ngành, chủ tịch hay phó chủ tịch UBND các quận, huyện mà hai năm liền kề không hoàn thành nhiệm vụ thì cũng là đối tượng thuộc diện tinh giản. Không có rào cản nào, không có phân biệt cụ thể là có chức vụ hay không có chức vụ. Ngay cả tiến sĩ, thạc sĩ nếu không đảm bảo tiêu chí, nằm trong đối tượng không hoàn thành nhiệm vụ hai năm liên tiếp thì cũng là đối tượng tinh giản biên chế”.
Hay quá, tinh giản được chánh, phó giám đốc sở ngành và chủ tịch, phó chủ tịch quận huyện thì không cần nói tới dân chủ dân cũng tin chắc dân chủ đang hiện diện. Tiến tới, cương quyết hơn, nếu chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh, thành mà không hoàn thành nhiệm vụ cũng tinh giản biên chế.
Còn bằng tiến sĩ, thạc sĩ, hiện nay nhiều như giấy, cần chọn lọc để sử dụng là quá phải. Chẳng lẽ cứ tiến sĩ, thạc sĩ là làm việc giỏi? Lấy kết quả công việc làm thước đo năng lực, không ai lấy bằng cấp làm thước đo kết quả của công việc.
Mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn khi nói về tinh giản biên chế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Đình Quyền nói chắc nịch với báo chí: “Tôi làm chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, tôi có thể thải được 40% ra khỏi bộ máy, nếu cho phép tôi toàn quyền”. Như vậy, theo ông Nguyễn Đình Quyền, chỉ riêng Văn phòng Quốc hội đang dôi dư 40% nhân sự.
Nói mạnh là vậy, nhưng chính ông Quyền thừa nhận tinh giản biên chế rất khó khăn, ông đưa ra dẫn chứng: “Tôi đã làm vụ trưởng, tôi chỉ cần 2 vụ phó thôi, nhưng ông thủ trưởng của tôi nói tôi cần 4 vụ phó. Tôi chưa cần lấy thêm người, ông thủ trưởng tôi đã bảo lấy thêm”.
Theo như phân tích và dẫn chứng của ông Nguyễn Đình Quyền, tinh giản biên chế khó vì chính các ông thủ trưởng không muốn bớt mà cứ muốn thêm. Vì sao vậy, sao thủ trưởng của ông Quyền cứ bắt ông phải nhận thêm 2 vụ phó trong khi chính ông là người trực tiếp điều hành lại không có nhu cầu? Từ chuyện này, quá dễ hiểu vì sao có quá nhiều cấp phó đến mức báo chí từng gọi là “loạn cấp phó”.
Trở lại chuyện của ông Lê Văn Làm, xin không dám cãi lại lời ông, chỉ ngồi chờ xem từ nay đến hết hạn, TPHCM có tinh giản được 14.000 người không, và trong đó có ai là giám đốc sở, chủ tịch quận, huyện không “hoàn thành nhiệm vụ” không?
Lê Chân Nhân