Ô nhiễm tiếng ồn

(Dân trí) - Tôi ghét tiếng ồn. Không có cách diễn đạt nào khác. Trong xương, trong thịt, trong tóc và trong máu, tôi ghét tiếng ồn.

 
Có nhiều loại tiếng ồn không thể tránh được. Nước mưa trên mái nhà. Xe tàu trên đường đi. Quạt trong mùa hè.

Điều làm tôi buồn là ở Việt Nam có nhiều loại tiếng ồn có thể tránh được – mà không tránh. Bấm còi lúc không cần thiết phải bấm còi. Nói to lúc không cần thiết phải nói to. Bật nhạc xập xình lúc không cần thiết phải bật nhạc xập xình (hoặc bật nhạc nói chung). Chửi lúc không cần chửi, kêu lúc không cần kêu, xây lúc không…chỉ cần nghĩ một lát trước khi xây nhà là có thể tránh được nhiều tiếng ồn các loại.

Tự làm khổ cho nhau.

Ở đâu có con người ở đó có tiếng ồn do con người gây ra. Nhưng ở nhiều nơi tại Việt Nam, ô nhiễm tiếng ồn đang ở mức nghiêm trọng, khiến tôi phải lên…tiếng.

Tiếng còi chúng ta không cần bàn nhiều. Các bạn quá biết và quá chán. (Tôi đoán rằng các bạn cũng ghết tiếng ồn). Bóp còi inh ỏi thực sự là cái bệnh, là cái dịch, trong xã hội bây giờ, đặc biệt ở các thành phố lớn. Tôi nghĩ cứ 100 lần bóp còi chỉ có 1 lần là thực sự cần thiết. Ngoài ra là bóp chơi, là bóp thô, là bóp trêu.

Tiếng ồn xuất phát từ việc xây nhà chúng ta cũng không cần bàn nhiều. Các thợ xây chỉ cần có tư duy tôn trọng là họ có thể xây nhà vẫn trong thời gian đó, vẫn với số tiền đó, nhưng mức độ ồn ào do họ gây ra đỡ hơn một nửa.

Hầu như quán cà-phê nào cũng có tivi (hoặc 3,4 cái). Quán cà-phê có cà-phê thì tôi hiểu. Nhưng tôi vẫn chưa hiểu vì sao quán cà-phê phải có ti-vi. Chẳng lẽ khách không có ti-vi ở nhà, phải ra quán mới chứng kiến được công nghệ kỳ diệu mang tên “truyền hình”? Một quán cà-phê lịch sự không phải nơi để xem ti-vi. Vì vậy, một quán cà-phê lịch sự thật sẽ không có ti-vi.

Ô nhiễm tiếng ồn - 1
 
Tôi cũng thấy rất chán mỗi khi đi khu câu cá thấy có máy karaoke, đi lễ ăn hỏi nghe có nhạc disco. Ai mà đi khu câu cá để hát karaoke có lẽ có vấn đề. Ai mà đến dự lễ ăn hỏi để nghe nhạc disco cũng có vấn đề. Ai mà đi quán cà-phê để xem tivi lại bị…hâm.

Ở đâu là sự tự nhiên?

Ở đâu là văn hóa nói chuyện?

Hôm trước tôi đến một quán trà vốn là nơi yên tĩnh, văn minh, khách có thể nhẹ nhàng tâm sự với nhau. Cạnh bàn tôi có một nhóm người đang nói chuyện rất ồn ào, nói to như đang say rượu (không biết họ uống trà loại gì). Mặc dù gần 30 tuổi nhưng họ vẫn cười như học sinh cấp một. Tôi chỉ muốn đứng lên và nói: “Chúng mày đi chỗ khác đi!” (Gần đây có rất nhiêu lần tôi muốn đứng lên và nói thế!). Cuối cùng tôi có đứng lên và…đi chỗ khác.

Tôi bực mình. Theo tôi, một phần quan trọng trong công việc của nhân viên làm ở các quán lịch sự vậy là giữ không khí. Họ phải nhắc nhở: “Xin lỗi các anh chị có thể nói nhỏ hơn giúp em được không?” Ngoài quán Yên trong Sài Gòn ra (quán hay nhất mọi thời đại), tôi chưa thấy trường hợp nào nhân viên nhắc khách nên nói nhỏ hơn.

Ở đâu là văn hóa nhắc nhở?

Rồi là việc nghe điện thoại ở nơi công cộng. Ôi trời ơi, nhiều người hâm lắm, các bạn ạ. Có thực sự cần thiết phải để nhạc chuông to thế? Có thực sự cần thiết phải nói to thế?” Chẳng lẽ hệ thống điện thoại là hai cái lon nối nhau bằng dây đàn, người kia càng xa là phải nói càng to.  

Không phải chỉ các thành phố mà nhiều khu “nghỉ mát” cũng thế: cứ 6 giờ sáng là có tiếng nhân viên “buôn dưa lê” với nhau như không có ai ở trong phòng (mà những “không có ai” trong các phòng ấy đang muốn ngủ thêm); nói to như đang đứng cách nhau 100m (mà chỉ có 1m), dọn xong mỗi phòng là sập cửa mạnh, buôn tiếp.

Ồn ồn ồn, không tránh, không trốn! Nhưng tôi lạc quan. Vấn đề ô nhiễm tiếng ồn đã xuất hiện trong thời gian ngắn. Tôi thích nghe các ông bà kể về thành phố ngày xưa. Nghe rất yên tĩnh, tuyệt vời. Tôi muốn sống trong quá khứ với kỷ niệm của họ.

Vì xuất hiện trong thời gian ngắn nên tôi hy vọng rằng vấn đề ô nhiễm tiếng ồn cũng sẽ giảm đi trong thời gian ngắn – để tôi và các bạn có thể tận hưởng cuộc đời này trong môi trường văn minh. 

Joe