Nước mắt vẫn rơi trên đồng ruộng năm này qua năm khác
(Dân trí) - Tôi lại nói về nông sản, các độc giả liệu rằng có cảm thấy nhàm chán không? Thế nhưng khi chúng ta vẫn ngồi đây và ôm nỗi lo thực phẩm bẩn, còn nông dân của ta thì loay hoay, luẩn quẩn với vấn đề đầu ra, vẫn luôn thua thiệt khi được giá hay được mùa, thì có lẽ vẫn cần phải viết…
Tuần qua lại thêm một thông tin “thắt lòng” người dân trên cả nước: Giá dứa xuống thấp kỷ lục, người trồng dứa tại nhiều địa phương rơi vào cảnh lao đao, thậm chí, phải chấp nhận để dứa chín thối ngoài đồng.
Chị Mai Thị Tuyết (45 tuổi), ở thôn Cầu Vân Bảo, xã Hà Long, Hà Trung, Thanh Hóa nói với phóng viên rằng: “Vụ vừa rồi, tôi đầu tư 6 vạn chồi cùng với phân tro, công chăm sóc hết khoảng 130 triệu đồng. Đến thời điểm này, mới thu hoạch được 40 triệu đồng, còn phải 80 -90 triệu đồng nữa mới lại vốn. Nhưng khoảng một tháng nay không thấy thương lái mua nữa”.
Đứng nhìn ruộng dứa chín thối của gia đình, chị Tuyết nghẹn ngào: “Giờ vay vốn ngân hàng đang nợ, không biết lấy đâu ra tiền để trả rồi còn tiền đầu tư tái sản xuất nữa. Làm không kể nắng mưa, ngày đêm chăm sóc cây dứa nhưng giờ không biết bán cho ai. Cứ mỗi lần lên vườn dứa là chỉ còn biết khóc, xót xa quá vì hơn 20 tấn dứa phải vứt bỏ”.
Thế rồi, cũng vẫn là dứa, nhưng nhiều người kinh doanh tại Hà Nội lại chẳng có thời gian mà bán. Một hiện tượng chưa từng có ở Hà Nội đã được báo chí đăng tải: 20.000 đồng/lít nước ép dứa – vốn được coi là thức uống vốn chỉ có trong những nhà hàng sang, nay bày la liệt trên vỉa hè.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuân, kinh doanh trên phố Định Công (Hoàng Mai) cho biết, với việc bán nước dứa ép, lượng dứa bán ra tăng gấp gần 3 lần ngày thường, lên tới 3-4 tấn/ngày, trong đó, 2/3 số dứa là để ép nước cho khách, số còn lại là bán quả.
Rồi cũng vẫn là dứa, nhưng nhiều người tiêu dùng ở Thủ đô lại đang tranh nhau đặt mua dứa Đài Loan giá 150.000 đồng/kg, tức khoảng 300.000 đồng/quả, đắt gấp 75 lần dứa Việt – Tờ Lao động ngày 15/6 đưa tin.
Bản thân tôi không tin là người nông dân ta không sản xuất được những sản phẩm nông sản tốt như các nước khác. Thậm chí, nhiều nông sản ở ta đã trở thành đặc sản nổi tiếng, gắn với thương hiệu các địa phương.
Thế nhưng, vì sao nông dân của ta vẫn luôn là những người “yếu thế” và “bị động” mỗi khi đến mùa thu hoạch? Vì sao nước mắt người nông dân vẫn rơi trên đồng ruộng suốt năm này đến năm kia?
Trước hết, phải nói rằng công tác tổ chức và hướng dẫn của ngành nông nghiệp kém hiệu quả! Nông dân ở nhiều nơi vẫn sản xuất theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, “được ăn cả, ngã về không”, thấy được giá là nuôi trồng ồ ạt, đến khi mất giá lại bỏ bê.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, một thương nhân buôn bán nông sản với Trung Quốc đã nói tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2018 vừa diễn ra mới đây rằng: “Kinh nghiệm hơn 10 năm làm thị trường này tôi nhận thấy, trong chuỗi sản xuất, cung ứng và chế biến, Việt Nam thua Trung Quốc 20 năm là ít nhất”.
Bởi: “Làm về thương mại, họ giỏi hơn chúng ta. Chúng ta chủ quan, tưởng rằng sản phẩm mình ngon, mình đẹp nên không chủ động thị trường nên bị động về chiến lược và không làm giá được”. Trong khi đó, người Trung Quốc mua sản phẩm thô Việt Nam để xuất sang Trung Quốc, sắp tới họ sẵn sàng chế biến tại Việt Nam để xuất đi thế giới và sang Trung Quốc.
Tôi thực sự thất vọng và xấu hổ thay cho nhiều cơ quan bộ ngành có trách nhiệm và nhiều chính quyền địa phương khi họ vẫn “vô tư” tuyên truyền người dân theo kiểu “ủng hộ” và “giải cứu” trong khi trách nhiệm của họ là tổ chức, kết nối, là hướng dẫn, khuyến khích người dân sáng tạo trong sản xuất: thay vì dưa hấu tròn thì hãy trồng dưa hấu vuông, thay vì dứa thường hãy là “dứa to”, “dứa khủng” chẳng hạn… Thay vì canh tác truyền thống thì áp dụng khoa học tiên tiến, hãy nhìn người Israel, người Mỹ, thậm chí là nhìn sang Trung Quốc họ đang làm ra sao…
Sống trong một đất nước nông nghiệp thế mà người tiêu dùng vẫn “thèm” thực phẩm sạch, không hiểu các nhà quản lý có thấy nực cười, vô lý hay không? Ở ngay một thị trường rộng lớn như Trung Quốc, đã ký kết FTA với hàng chục đối tác… ấy vậy mà vẫn thiếu đầu ra! Năm ngoái nói thương lái Trung Quốc ép giá, năm nay cũng thế và năm sau cũng vẫn là như vậy.
Nói như bà Thành Thực, cứ “ví mình như cô gái quê danh giá chỉ chờ khách đến nhà tán tỉnh, mua đi” thì bao giờ nông sản Việt mới chủ động được trước thị trường và người nông dân mới bớt phần yếu thế?
Bích Diệp