Nực cười nghịch lý lương “ba cọc ba đồng” vẫn lo lót chạy vào công chức
(Dân trí) - Tham nhũng vặt, hạch sách, quan liêu, bòn rút tiền người dân, doanh nghiệp, trục lợi chính sách, “đục khoét” ngân sách - bao nhiêu vụ thất thoát trăm tỷ, nghìn tỷ cũng từ đó mà ra. Nó mặc nhiên như một quy luật về sự đánh đổi. Dù tình trạng này không mang tính đại diện nhưng lại rất nhức nhối, khó loại bỏ trong ngày một, ngày hai.
“Nhìn chung tâm lý chung chỉ muốn tăng không muốn giảm đang khá phổ biến, những người thấy rõ sự bất hợp lý, muốn thực hiện đúng chủ trương tinh gọn, tinh giảm thì lại dễ bị cô lập, bị coi là đi ngược lại lợi ích của Bộ, ngành”. Đây là một thực tế được ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) nêu ra tại một hội thảo về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước vừa diễn ra mới đây.
Từng nhiều năm làm việc “gác cửa” các văn bản quy phạm pháp luật, ông Sơn nói thẳng rằng, cá biệt có vị lãnh đạo quan niệm “Bộ có nhiều đầu mối, nhiều đơn vị cấp dưới mới oai, mới thể hiện vị thế của Bộ, ngành mình”.
Ngược lại, cũng có trường hợp, một số Bộ trưởng muốn thực hiện chủ trương tinh gọn, tinh giảm đúng định hướng cũng khó bề xoay xở vì không xử lý được mối quan hệ nội bộ. Cụ thể, đó là sự “vấp chân” với Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ cũng như trong tập thể lãnh đạo Bộ.
Trên đây là những lý do khiến mục tiêu giảm biên chế, tinh gọn bộ máy dù được nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại song khi đi vào thực tiễn vẫn bế tắc.
Một độc giả của Dân Trí có 'nickname' Phạm Tường mới đây đã để lại bình luận, rằng ai cũng muốn vào công chức nhà nước để “kiếm ngoài” chứ lương thì sao đủ mua một đôi giầy, một cái áo. “Cháu tôi xin cô giáo mầm non mất 120 triệu, đấy là còn nhờ người quen”.
Không hiểu người cháu của độc giả sẵn sàng chi cả trăm triệu (mà vẫn được cho là rẻ) để được dạy mầm non với mức lương vài ba triệu đồng mỗi tháng, hay nói cách khác, chấp nhận làm “không công” tới mấy năm nhằm mục đích gì? Có một chỗ làm ổn định, hay để kiếm thêm ngoài, mà kiếm thêm thì kiếm như thế nào đây?
Cái điều tưởng như vô lý đó, rất lạ là lại diễn ra quanh ta. Trước khi đâu đó có một số người bỏ Nhà nước để ra làm ngoài, tự lập nghiệp, kinh doanh riêng hoặc vào làm cho những công ty tư nhân thì đã có đến hàng nghìn, hàng vạn người trẻ ra trường, gia đình đang phải chạy vạy mối này, mối kia để có một chân làm Nhà nước, với cái danh “ổn định”. Nghĩa là khi bão gió thị trường có khắc nghiệt đến đâu thì hàng tháng vẫn có lương mang về, chỉ tăng lên theo lộ trình chứ không bị giảm, đến tuổi thì nghỉ hưu với lương hưu đầy đủ.
Một con số không còn mới được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề cập từ tháng 10 năm ngoái: Cả nước hiện có đến 8 triệu người, tương đương với 10% dân số hưởng lương từ ngân sách trong đó có 600.000 công chức, 2,2 triệu viên chức giáo dục, 2,1 triệu cán bộ cấp xã và hưởng phụ cấp từ ngân sách, 3 triệu người hưởng lương hưu và phụ cấp người có công.
Một con số khác cũng đáng chú ý được TS.Đặng Ngọc Dinh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng đưa ra thông qua chỉ số PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam) đó là, có đến 80% người được hỏi đánh giá việc quen thân (còn gọi là chủ nghĩa vị thân) hoặc “lo lót” quan trọng hoặc rất quan trọng khi vào làm công chức, viên chức.
Tiến sĩ Dinh còn bày tỏ mối quan ngại, dường như người dân đã quen và cam chịu với tham nhũng vặt, chạy chọt, hối lộ. Số liệu từ khảo sát PAPI cho thấy người dân ngày càng không còn hăng hái tố cáo hành vi tham nhũng khi bị vòi vĩnh, đòi hối lộ. Cụ thể, tỷ lệ người bị vòi vĩnh đã tố giác hành vi đòi hối lộ giảm dần từ 9,15% của 2011 xuống 2,67% năm 2015. Sự chịu đựng đối với hành vi tham nhũng cũng tăng lên theo thời gian, sẵn sàng bỏ qua, đồng loã với tham nhũng, số tiền bị vòi vĩnh tăng nhiều qua các năm.
Điều đó thực ra không hề khó hiểu. Bởi, biên chế thì nhiều mà ngân sách thì không thể như chiếc “nồi Thạch Sanh” vô hạn. Lương dù ổn định nhưng không thể nói là cao khi giá không ngừng tăng, mặt bằng cuộc sống nâng lên hàng ngày. Tình trạng đó buộc người ta phải nghĩ kế, một là thu hồi cái vốn bỏ ra ban đầu, hai là nuôi mộng làm quan để “gặt hái”: Tham nhũng vặt, hạch sách, quan liêu, bòn rút tiền người dân, doanh nghiệp, trục lợi chính sách, “đục khoét” ngân sách - bao nhiêu vụ thất thoát trăm tỷ, nghìn tỷ cũng từ đó mà ra. Nó mặc nhiên như một quy luật về sự đánh đổi. Dù tình trạng này không mang tính đại diện nhưng lại rất nhức nhối, khó loại bỏ trong ngày một, ngày hai.
Dư luận đã từng phẫn nộ vì từng có vị nguyên Bộ trưởng nọ (mà nay, cũng đã bị cắt chức “nguyên”), cài cắm người nhà, người thân tín vào những vị trí quan trọng tại các doanh nghiệp trong ngành, để lại nhiều hệ lụy cho đất nước... Rồi dư luận cũng bức xúc đến ngán ngẩm với tình trạng một sở 46 người thì đã có tới 44 người làm lãnh đạo. Đó là những điều khó lòng chấp nhận.
Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Nếu như đâu đó trong mỗi bậc phụ huynh vẫn còn ăn sâu vào tâm thức định hướng cho con cái về một sự ổn định của “người Nhà nước” và con đường làm giàu nhờ quan lộ; xã hội nếu vẫn còn những người trẻ ỷ vào thế “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ” để tiến thân… thì có lẽ đất nước sẽ vẫn còn bị kìm hãm phát triển. Bộ máy biên chế lúc đó nếu có cắt giảm được về mặt số lượng, thì cũng chẳng có ý nghĩa gì nhiều…!
Bích Diệp